Khúc mưa là sáng tác của nhà thơ Đỗ Trung Quân về một tình yêu đã mất. Năm 1986, khi nhạc sĩ Phú Quang mới vào Sài Gòn, tình cờ đọc được bài thơ này và ông cảm thấy rất ấn tượng. Trái tim của người nghệ sĩ tài hoa rung cảm và chỉ trong một buổi chiều, ông đã phổ nhạc thành bài hát Khúc mưa. So với bản gốc, hầu như không có nhiều sự thay đổi về ca từ.
* Hồng Nhung hát "Khúc mưa"
Tháng sáu, mưa, mưa
Giá trời đừng mưa, và anh đừng nhớ
Tháng sáu, thời tiết tựa một cô gái đa sầu đa cảm, dễ dàng rơi lệ. Nhịp 2/1/1 ngay câu hát đầu tiên giống như từng giọt mưa rơi xuống giữa trời mùa hạ. Bài hát vẽ ra khung cảnh u ám của một buổi chiều. Nhân vật anh ngồi bên tách cà phê đen và nhớ về một người đã không còn thuộc về mình với tâm trạng đầy mâu thuẫn:
Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì
Em như hạt mưa trên phố xưa,
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Vừa mới đây thôi, “anh” còn mong trời đừng mưa thì ngay sau đó, anh đã cho thấy sự mâu thuẫn trong tâm tưởng: “Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì”. Thật ra, cơn mưa kia chỉ là cái cớ để anh được nhớ em một cách “danh chính ngôn thuận” mà thôi. Nếu như không phải là tháng sáu, không phải trời mưa thì anh vẫn sẽ nhớ em. Nhưng chính cái không khí ẩm ương của ngày mưa tháng sáu lại càng làm cho nỗi nhớ thương tăng bội phần. Bởi vì, mưa cũng là em. Từng hạt mưa cũng như từng nỗi nhớ về em rơi vào lòng anh, vụn vỡ: “Em như hạt mưa trên phố xưa/ Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ”.
Nhớ về em, còn là nhớ cả về những gì chúng ta từng có với nhau, nhớ từng lúc mình ở cạnh nhau, trải qua những cay đắng ngọt bùi.
Kỷ niệm như rêu, anh níu vào trượt ngã
Tình xưa giờ quá xa…
Có thể nói, đây là câu đắt nhất trong Khúc mưa. Có ai định nghĩa được màu kỷ niệm? Có ai vẽ được màu của thời gian? Thế mà chỉ với một câu so sánh “Kỷ niệm như rêu”, tác giả vừa gợi được màu sắc, lại vừa gợi được cả sự phôi pha của thời gian.
Tất cả giờ chỉ còn kỷ niệm, cớ sao anh vẫn “níu vào”. Anh “trượt ngã” là một cách nói ẩn dụ về sự chơi vơi trong tâm hồn của người nặng tình… Thực ra, cuộc sống này luôn có nhiều người giống như nhân vật “anh” kia, không thể nào quên được tình cũ, dù rằng “tình xưa giờ quá xa”.
Biết làm sao được, yêu một người đã khó, quên một người càng khó trăm vạn lần. Kể cả khi chúng ta đã có một cuộc sống mới, nhưng chắc gì vào một khoảnh khắc nào đó, tình cờ bắt gặp hình ảnh thiết thân từng gắn bó với mình, lại không nhói đau vì nhớ?
Hoa cúc vườn nhà ai thả từng chùm
Cho anh thương áo em vàng
Tháng sáu trời buồn
Tháng sáu riêng anh, bầy chim sẻ hiên nhà bay mất
Như em như em...
Hoa cúc vàng hay màu áo em vàng. Vạn vật bây giờ đều có hình bóng em ở đó. Chỉ với một người còn yêu sâu nặng mới nhìn đâu cũng thấy người xưa. Tháng sáu sẽ không chỉ đến một lần rồi thôi, mà mỗi năm đều trở về ghé thăm, tựa như nỗi khắc khoải của anh sẽ không bao giờ tan biến. "Tháng sáu trời buồn/ Tháng sáu riêng anh/ Bầy chim sẻ hiên nhà bay mất/ Như em, như em". Em đã đi mất rồi, như bầy chim sẻ đậu bên hiên nhà thoáng chốc, chỉ còn riêng anh ở lại với tháng sáu, với cơn mưa, với nỗi buồn. Câu kết “như em” được lặp lại hai lần, như lời thì thầm, tiếng thở dài xót xa về một tình yêu xưa cũ.
Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Tôi còn nhớ thời điểm đó là vào một chiều, trời Sài Gòn mưa nhiều. Tôi vừa đệm đàn piano vừa đàn hát, còn anh Quân ngồi hút thuốc nghe. Sau đó anh ấy khen hay và nói rất xúc động. Chúng tôi trở thành bạn với nhau từ đó. Trong cuộc đời chúng ta, có lẽ ai cũng có nhiều hơn một cuộc tình. Và những cuộc tình chưa trọn vẹn, không thành luôn để lại nhiều nỗi nhớ nhung, xa xót”.
Trong suốt 32 năm qua, có rất nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này như Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Anh, Trần Thu Hà… Trong số đó, bản của Hồng Nhung được nhiều người nhớ đến nhất bởi cách hát nhẹ nhàng, tự sự. Trong liveshow của nhạc sĩ Phú Quang (tháng 9/2014), chính tay nhạc sĩ đệm đàn cho Hồng Nhung hát ca khúc này và nhận được tràng vỗ tay không ngớt của khán giả.
Hà Thanh Phúc