![]() |
Nếu không khử khuẩn, mầm bệnh tả sẽ tồn tại rất lâu trong môi trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mặc dù số ca tiêu chảy cấp và tả đã giảm trong những ngày gần đây nhưng Bộ Y tế vẫn rất lo lắng về nguy cơ dịch tái phát do mầm bệnh trong môi trường chưa được kiểm soát tốt. Khi xét nghiệm mẫu nước ở trước nhà một bệnh nhân xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây, các chuyên gia phát hiện vẫn còn khuẩn tả. Đây là kênh nước thải khá lớn bao quanh làng nên nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao, nhất là qua các loại cây, rau được tưới bằng nước kênh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với một lượng nước lớn như vậy, việc dùng hóa chất để xử lý triệt để mầm bệnh là không thực tế. Vì vậy điều quan trọng nhất là người dân kiểm soát nguồn nước uống và sinh hoạt. Ông Hiển cũng cho biết tình trạng nước nhiễm tả như trên có thể vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi khác từng có bệnh nhân.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Huấn yêu cầu các đoàn công tác của Bộ tiếp tục về Hà Tây, chỉ đạo xử lý lại nguồn nước ở những nơi có bệnh nhân tả 2 lần một tuần, liên tục trong một tháng nữa, vì loại khuẩn này có thể sống 3-4 tuần trong môi trường nước.
Tại Hà Nội, các bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện trong 2 ngày qua đều đến từ các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng - nơi vốn là các điểm nóng của dịch. Hiện Sở Y tế vẫn tổ chức giám sát 24/24h tại các xã phường. |
Cách làm này cũng phải được áp dụng ở những nơi có bệnh nhân tả khác, nhất là Hà Nội, nơi 14 quận huyện đều xuất hiện người mắc tả. Trong 3 tuần liền, mỗi tuần sẽ phải xét nghiệm mẫu rau, nước cống rãnh, nước sinh hoạt, bãi rác. Do đã có người nhiễm tả sau khi bới rác nên ông Huấn yêu cầu đặc biệt chú ý các bãi rác có chất thải bệnh nhân tả điều trị trong bệnh viện, nếu kết quả dương tính thì phải xem lại quy trình xử lý rác của bệnh viện đó.
Các chuyên gia lo ngại về khả năng phát tán mầm bệnh từ các bể phốt bệnh viện sau khi thải ra môi trường, mặc dù phân bệnh nhân đều đã được xử lý bằng Chloramin B. Vì vậy Thứ trưởng Huấn yêu cầu các bệnh viện điều trị cho người tiêu chảy cấp phải xử lý lại bể phốt bằng Chloramin B, và đề nghị công ty vệ sinh môi trường lặp lại quy trình này lần nữa, bởi khuẩn tả có thể sống trong phân ẩm 2-3 tháng.
"Nếu không làm triệt để như vậy, dịch có thể sẽ bùng phát trở lại chỉ sau 1 tháng" - ông Huấn nói. Một số trận dịch tả trước đây đã nhanh chóng tái phát trong thời gian ngắn do không kiểm soát được triệt để.
Ông Trịnh Quân Huấn rất lo ngại về việc các loại rau sống vẫn được dùng ở quán ăn. Ngoài ra, rau ăn lẩu cũng không hẳn an toàn vì khi bàn tay thực khách cầm vào rau, bàn tay sẽ ô nhiễm nếu có khuẩn tả. Thực khách cũng có thể gắp rau sống cho vào nồi rồi dùng đũa đó gắp thức ăn khác.Mặc dù dịch đã giảm mạnh nhưng mấy ngày gần đây vẫn tiếp tục có bệnh nhân tiêu chảy cấp được phát hiện. Trong ngày 15/11 có 54 người nhập viện, thêm 8 ca được xác định là nhiễm tả. Tại Hải Phòng và Thanh Hóa, số bệnh nhân vẫn khá cao.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển cho biết, các bệnh nhân tiêu chảy mới của Hải Phòng tuy chưa có kết quả xét nghiệm nhưng dấu hiệu lâm sàng rất giống tả. Họ đến rải rác từ nhiều nơi. Điều này khiến các chuyên gia nghĩ đến khả năng mầm bệnh lan tỏa từ những người lành mang khuẩn.
Sau hơn 3 tuần xuất hiện dịch, miền Bắc đã có 1.880 ca tiêu chảy cấp, trong đó 240 người được xác định nhiễm tả. Chưa bệnh nhân nào tử vong.
Hải Hà