Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết thông tin trên, sau khi nhận kết quả từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, chiều 22/10.
Hôm 10/10, tại bếp ăn của Trường Cao đẳng Lào Cai xảy ra vụ nghi ngộ độc tập thể, khiến 80 học sinh, sinh viên có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt...; 54 người phải nhập viện cấp cứu. Bếp ăn đã bị đình chỉ ngay sau đó.
Báo cáo từ giới chức y tế cho hay có 92 người tham gia bữa ăn, thực đơn gồm thịt lợn rang, thịt lợn kho, thịt gà xào hành tây, chả lá lốt, thịt gà rang, giá đỗ xào bắp cải, dưa chuột muối, canh rau muống.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu thực phẩm lưu tại căng tin để xét nghiệm. Kết quả phát hiện 4 món thức ăn dương tính với vi khuẩn Salmonella, gồm dưa chuột muối, chả lá lốt, thịt gà rang, canh rau muống.
Chiều 16/10, tất cả bệnh nhân được xuất viện sau một tuần theo dõi, điều trị.
Vi khuẩn Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.
So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Người bệnh đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, dấu hiệu mất nước như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp, phân có máu. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Để phòng ngộ độc thực phẩm, mọi người chế biến cần tuân thủ các quy tắc về an toàn thực phẩm, rửa tay hoặc dùng găng tay khi nấu nướng. Tuyệt đối không dùng chung dao, thớt khi chế biến thực phẩm sống, chín.
Thức ăn chín cần bảo quản riêng biệt, có tủ kính và sử dụng sớm sau khi nấu xong. Nếu để ở môi trường thông thường, thời gian tối đa chỉ 4 tiếng, hạn chế ăn đồ sống, đồ tái.
Thùy An