Thứ sáu, 27/12/2024
Thứ bảy, 5/12/2020, 05:00 (GMT+7)

Khu vườn từ 100 chiếc can nhựa của nữ giám đốc

Cần ThơSân thượng 80 m2 bị bỏ không nhiều năm của chị Mỹ Hiền đã trở thành một vườn rau trái nhờ 100 chiếc can nhựa cũ và giúp gia đình không còn phải mua rau ngoài chợ.

Từ đầu năm 2020, vì dịch Covid-19 phải hạn chế ra ngoài nên chị Huỳnh Thị Mỹ Hiền, 35 tuổi, giám đốc một công ty mỹ phẩm ở Cần Thơ lên kế hoạch làm một vườn rau trên sân thượng rộng hơn 80m2 của gia đình. Thấy những can nhựa của gia đình đã cất kho mấy năm nay nhưng không dùng đến, người phụ nữ nảy ra ý tưởng tận dụng chúng thay vì dùng hộp xốp hoặc chậu xi măng như một số người đã làm.

"Tôi thấy nhiều người trồng trong chai nhựa 5 lít mà rau vẫn xanh tốt nên tin là những chiếc can nhựa của tôi 30 lít cũng sẽ trồng được. Can nhựa nhẹ, gọn, xài cũng bền", nữ giám đốc chia sẻ.

Những chiếc can nhựa được chị Hiền cắt một mặt, khoét lỗ rồi đặt lên hàng gạch để thoát nước. Chị dùng rơm phủ lên mặt đất để giữ ẩm.

"Từ khi bắt đầu, ông xã đã lắp đặt một hệ thống tưới nước tự động cho tôi nhưng vì nghĩ mỗi loại có một nhu cầu nước khác nhau nên hầu hết tôi tự tưới. Chỉ khi cả nhà đi chơi, không có ai mới dùng đến hệ thống tự động", chị cho hay.

Để trồng được rau xanh tốt, bí quyết của chị Hiền là trộn đất thịt gia đình gửi từ quê lên với phân bã mía. Chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày nên chị Hiền không bón thêm phân. Những loại như bắp cải, bầu bí, mướp... chị bón thêm dịch chuối, đồng thời cùng làm thêm gian cho cây leo.

Ngoài những can lớn đặt dưới đất, chị Hiền cũng làm thêm những giàn treo, tận dụng chai nhựa trong nhà để trồng thêm rau cải hay xà lách.

Mỗi sáng, sau khi đi thể dục về chị Hiền lên vườn rau để thu hoạch và tưới nước. Do tính chất công việc bận rộn nên việc chăm sóc vườn của chị tập trung chủ yếu vào ban đêm.

Tuy chỉ mới bắt đầu trồng rau từ đầu năm, mỗi loại chỉ trồng vài gốc để để lấy kinh nghiệm nhưng loại nào cũng rất sai trái.

Bà chủ vườn cho biết, chị thích nhất là trồng bắp cải vì chúng trông giống như bông hồng xanh. Mỗi cây giống chị mua chỉ khoảng 500 đồng, một vụ trồng khoảng hơn chục cây, sau 3 tháng thì được thu hoạch.

"Gia đình tôi thích nhất là món bắp cải luộc. Tự tay trồng nên khi ăn cảm thấy ngọt lắm, hơn mấy loại bán ngoài chợ. Lúc trước về quê là má cho rau về ăn nhưng giờ tôi cho ngược lại má", chị Hiền cười.

Ban đầu, người phụ nữ này chỉ định "trồng cho vui", chị hy vọng cung cấp đủ lượng rau sạch cho ba đứa con nhỏ nhưng thấy cây phát triển tốt nên cứ thấy chỗ nào trống chị lại thử trồng thêm nhiều loại khác. Ngoài rau, bầu bí, mấy tháng trước chị Hiền thử gieo hạt bắp.

Sau khi lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và hỏi thêm kinh nghiệm từ cha mình, chị Hiền không ngờ lại được một vụ bắp bội thu.

Vụ bắp đầu tiên sau hơn hai tháng chờ đợi, chị Hiền thu được hơn 100 trái cho hạt đều. Sau khi thu hoạch, chị đem luộc rồi rủ những người bạn, hàng xóm của mình đến uống cà phê và thưởng thức những trái bắp trồng trong can nhựa của mình.

"Là con nhà nông nhưng từ nhỏ đến lớn đâu biết trồng cây gì. Từ ngày có vườn việc gì tôi cũng làm được. Nghĩ tôi chỉ biết làm ăn, buôn bán nên ai cũng ngỡ ngàng khi tôi làm vườn. Nhờ có mảnh vườn mà những đứa con tôi biết nhiều điều mới về cây cối, quý trọng lao động, quý trọng công sức của những người nông dân...", chị Hiền cho biết.

Thấy con gái trồng tốt, cha mẹ chị và hàng xóm ở quê dù đã nghỉ làm rẫy nhiều năm giờ cũng "bắt chước" trồng rau sạch, họ không sử dụng nhiều phân hóa học hay thuốc trừ sâu như trước kia. Thấy chuối chín không ăn xuể, chị Hiền bày mẹ làm dịch chuối để bón cây.

"Mỗi lần gọi điện cha mẹ tôi đều bảo 'mấy bà hàng xóm khen mày giỏi cứ nhắc hoài. Tôi không ngờ việc làm vườn có nhiều cái lợi đến vậy. Vừa có thực phẩm sạch vừa giúp đời sống tinh thần mình thoải mái, vui vẻ hơn nhiều", chị Mỹ Hiền chia sẻ.

Diệp Phan

Ảnh: Nhân vật cung cấp