Chủ nhật, 13/10/2024
Thứ hai, 3/10/2022, 10:46 (GMT+7)

Khu vườn như tranh trên sân thượng

TP HCMTừ sân thượng dành nuôi chim cảnh, chị Thanh Huyền, 42 tuổi, thuê thợ làm chống thấm, biến thành một khu vườn nghệ thuật, hoa trái quanh năm.

Ba năm trước, chị Thanh Huyền, ở quận Tân Phú nảy ra ý định cải tạo sân thượng để trồng rau thơm vừa làm nơi thư giãn.

Khu vực phía trước rộng 30 m2 chị thiết kế theo phong cách phố cổ Hội An, với tông vàng chủ đạo. Thay vì bàn trà kiểu Nhật, chị đóng bàn ghế tre, lấy đá tự nhiên tạo thành mặt bàn.

"Phía trên tôi treo hai bánh xe bò nằm ngang, có trục vững vàng, để dặn mình nhớ đến bánh xe luân hồi trong Phật Pháp, luôn lấy đạo đức làm gốc", chị nói.

Chủ cũ của ngôi nhà từng nuôi chim, bị thấm tường nên khi làm vườn rau sân thượng, chị Huyền thuê đội thiết kế thi công và chống thấm. Phía trước trồng nhiều sen mini, hoa hồng, giàn nho và các loại cây dương xỉ, rêu...

Có sân gạch, giếng nước, đá cổ ẩm ướt quanh năm nhưng nhờ được xử lý từ đầu, ba năm nay, vườn không ngập úng khi gặp mưa lớn. "Kỹ sư làm tấm lót trải sàn để đổ đất lên trồng, đồng thời thiết kế hệ thống thoát nước sàn luôn khô thoáng", chị nói.

Phía trên, gia chủ lợp kính để hạn chế mưa lớn tránh xói mòn đất và không kịp thoát nước.

Ở vườn sau, rộng 20 m2, chị Thanh Huyền trồng các loại rau thơm, rau sống như xà lách và các loại cải. Những phiến đá sẫm màu được chọn làm bước đi, bao quanh bởi màu xanh của thảm thực vật, khiến người đến vườn quên mất cảm giác đang ở sân thượng Sài Gòn. Phía sau vườn chị cũng đặt một bánh xe bò, nhìn xa tựa như guồng nước.

Vườn trước có giếng, vườn sau chị cũng thiết kế hai lu chứa nước, phòng trường hợp mất điện, mất nước vẫn có nước tưới cho cây.

Trước đây, khu vườn nuôi chim nên phân chim cung cấp lượng dinh dưỡng tốt cho đất, không phải bón nhiều. Chị Thanh Huyền thường chỉ bón phân bò để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, chị ngâm dung dịch chuối, rác nhà bếp tưới cho cây hai ngày một lần.

Ngoài các loại rau gia vị, chị trồng thêm cọ, cỏ nhện, cây Điệp Lào. Loài cây này ưa nắng, thích hợp với sân thượng phía sau, hướng Tây đón nắng. Điệp Lào cứ mỗi tháng ra hoa một lần, rực rỡ 3-4 ngày mới tàn. "Tôi có bạn là dân thiết kế tiểu cảnh sân vườn nên góp ý, làm giúp một số thứ để vườn hoàn thiện hơn", chị cho hay.

Ở rìa sân thượng, chị Thanh Huyền trồng thêm cà chua để che nắng cho rau, vừa có thêm trái ăn và trang trí.

Theo chủ vườn, sân thượng có nhược điểm lớn là gió to, trồng hoa chóng tàn, phần đậu trái không cao như trồng mặt đất. Nhưng bù lại, vườn thông thoáng, sạch sẽ, ít sâu bệnh, côn trùng cắn phá.

Thiết kế vườn rau, chị tâm đắc nhất là làm giả hai chuồng chim bồ câu để che hai cục nóng máy lạnh. "Các nhà phố hay bị điểm trừ là không tính độ thẩm mỹ mấy cục nóng máy lạnh này", chị nói.

Năm ngoái mùa dịch, chị đi lượm cành cây bằng lăng khô, kết hợp với trái thông làm tiểu cảnh trang trí đón Giáng sinh.

Chị cũng khiến giếng trời như một chuồng gỗ nuôi chim. Phía trên, chủ vườn gia cố, rải chiếu để đêm nằm ngắm trăng. Những thùng đựng rác nhà bếp trên vườn cũng được ẩn dưới những tán cây, mắt thường khó nhận biết.

"Tôi thấy thấy nhiều bạn bỏ cuộc làm vườn sân thượng sau vài năm vì cảm giác hầu hạ cây cối, chùi cọ sân vườn đóng rêu, chậu sắp thẳng hàng như kiểu hành quân. Thiết kế vườn như khu rừng, tôi không phải chịu cảm giác đó", chị Huyền nói.

Nhật Minh
Ảnh nhân vật cung cấp