Thứ năm, 12/12/2024
Chủ nhật, 20/12/2020, 05:05 (GMT+7)

Khu vườn chục loại dưa trên sân thượng của cô gái Sài Gòn

TP HCMTừng trồng nhiều cây trên sân thượng nhưng Ngọc Ánh chỉ thật sự "mát tay" với những loại dưa mà cô trồng thử cách đây gần hai năm.

Võ Thị Ngọc Ánh là một nhân viên văn phòng ở quận 6, yêu thích trồng trọt, từng trồng nhiều loại cây trái và hoa ở sân thượng 50 m2 của ngôi nhà nơi mình đang sống.

"Mình và những người trong nhà thích ăn các loại dưa, trước đây thường phải mua ở siêu thị. Hai năm trước, mình bắt đầu tìm hiểu và trồng thử, đến nay đã trồng qua hơn chục loại dưa khác nhau", cô gái 30 tuổi nói.

Ban đầu, cô gái chọn trồng một giống dưa của Việt Nam với hơn 50 cây. Tuy nhiên, phải mất hơn hai tháng mới thu hoạch, Ánh nghĩ mình phải trồng luân canh thêm những giống khác để lúc nào gia đình cũng có dưa ăn.

Khi bắt đầu trồng, cô gái trẻ hoàn toàn không có kiến thức về cách chăm sóc loại cây này nên phải đọc thêm tài liệu trên mạng, học hỏi những kinh nghiệm của các anh chị trong hội trồng dưa trên mạng xã hội.

Ngọc Ánh đầu tư một hệ thống tưới nước tự động, làm giàn sắt đặt chậu dưa. Cô tự làm những loại phân bón hữu cơ để bổ sung chất cho dưa như phân cá, phân chuối, dung dịch trứng sữa...

"Từng thời điểm cây sẽ cần những dưỡng chất khác nhau nhưng mình nghĩ phân hữu cơ thường có tác dụng chậm nên mỗi ngày mình đều bón thêm một ít để cây hấp thụ dần", Ánh chia sẻ.

Khác với trước đây, cô gái không còn thức dậy trễ mà từ 5h sáng Ánh đã có mặt ở sân thượng. Vì trồng luân canh nhiều loại nên hầu như lúc nào cô cũng bận rộn. Cây nhỏ cần vun gốc, tỉa lá, cây lớn hơn thì quấn đọt, thụ phấn, bọc trái... Cuối tuần sẽ dọn dẹp lại vườn, trộn đất để dành gieo giống mới.

Sau hai vụ đầu tiên trồng thành công thì đến vụ thứ ba, Ngọc Ánh nhận "trái đắng". Những cây dưa lưới Huỳnh Long đang độ ra trái thì bị ruồi vàng đục thân. Sau khi phát hiện và nhận được lời chia sẻ từ những anh chị có kinh nghiệm cách "cứu chữa". Suốt gần một tuần cứ mỗi buổi trưa, Ánh chạy xe từ công ty về nhà để cạo vết ruồi chích rồi bôi vôi vào với hy vọng chữa lành, nhưng sau đó chỉ cứu được vài cây.

"Mình chủ quan rằng vườn nằm ở dãy nhà phố lại ở tuốt sân thượng tầng 4 sẽ không có sâu bệnh và côn trùng. Sau lần đó, mình chủ động dụ ruồi vàng trước bằng dụng cụ bẫy ruồi", Ánh chia sẻ.

Vụ dưa lưới Kim Long năm ngoái, Ngọc Ánh thu hoạch được gần 80 trái vào ngày 26 Tết. Sau khi mang biếu bạn bè và những người thân ở Sài Gòn, cô mang một ít về quê Bình Định biếu ông bà.

"Mình nói dưa tự trồng nhưng ông không tin, sau khi mình cho xem hình thì ngoại bảo 'giống dưa gì lạ vậy, ai lại treo ngược lên thế kia", Ánh cười. Cô chia sẻ, từ trước đến nay ông bà thường chỉ thấy những cây dưa bò trên luống.

Để có những trái dưa to đều tăm tắp, Ngọc Ánh có một bí quyết đó là tập trung thu phấn cho dưa khi cây đã phát triển được từ 10 - 12 nách lá, thường chỉ giữ lại một trái trên cây.

Ngọc Ánh tự nhận rằng mình "mát tay" khi trồng các loại dưa. Hầu hết những giống cô trồng đều cho trái đạt chất lượng. Cô gái mua một dụng cụ đo độ ngọt về thử thì dưa ở nhà có lúc ngọt hơn cả dưa mua ở ngoài.

Để tiết kiệm diện tích, Ngọc Ánh treo cả những trái dưa hấu thay vì để chúng nằm trên mặt luống như thông thường.

Có thời điểm trồng dưa leo, vì ăn không xuể nên cô liên tục mang tặng bạn bè, đồng nghiệp. "Mọi người bảo nhìn giống dưa đột biến", Ngọc Ánh chia sẻ.

Tập trung trồng dưa nhưng Ngọc Ánh vẫn trồng xen kẽ nhiều loại khác trên sân thượng như rau, khổ qua, bầu, bí... Bình thường mọi công việc làm vườn đều do một tay Ánh làm, chỉ những lúc cải tạo vườn, khiêng hay trộn đất cô mới nhờ thêm những người trong nhà.

Thấy cô trồng tốt, nhiều bạn bè rất muốn làm theo hỏi cô "trồng dễ không" nhưng Ánh chỉ chia sẻ, trồng cây gì cũng đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ cách chăm sóc, phải bỏ công sức và thời gian thì mới thu được kết quả.

"Riêng mình, mình tìm được niềm vui từ việc chăm sóc cây cối nên đôi lúc cuối tuần không đi chơi hay việc phải trộn đất, ủ phân mình mẩy lấm lem mình không không thấy ngại", cô gái tâm sự.

Diệp Phan

Ảnh: Nhân vật cung cấp