A51 là nơi bố trí tái định cư cho 160 hộ dân bị thu hồi đất khi TP Hải Phòng thực hiện dự án đường Hồ Sen - Cầu Rào 2.
Năm 2019, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại A51 được khởi công trên diện tích hơn 10 ha. Theo UBND quận Lê Chân, dự án có tổng đầu tư 296 tỷ đồng, với hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại như đường, vỉa hè, cống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh.
Tuy nhiên, đến nay khi đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đã hoàn thành, hàng trăm hộ dân đã nhận bàn giao đất tái định cư thì khu vực này vẫn chưa có đường điện, nước. Do đó, chỉ 23 hộ dân làm nhà sinh sống và 8 hộ khác đang xây nhà.

Khu tái định cư A51 được bàn giao từ năm 2019 vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng điện nước. Ảnh Lê Tân
Ông Nguyễn Hữu Dũng, 64 tuổi, cho biết khu tái định cư không điện, nước nên gia đình ông và nhiều hộ dù được cấp đất vẫn phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, ở trọ bất tiện và Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ tiền thuê nhà 6 tháng nên rất tốn kém.
Đến đầu năm 2022, ông Dũng xin kéo nhờ đường điện, nước từ một hộ dân khu vực lân cận nên quyết định xây nhà. Hàng tháng, người cho dùng nhờ sẽ lấy tổng số điện tiêu thụ trừ đi số điện họ ước tính đã dùng, số còn lại hộ dân ở khu tái định cư thanh toán. Do đó, giá điện luôn được tính từ bậc 2, bậc 3 (giá điện được tính lũy kế, bậc 2 từ 51 đến 100 kWh, giá 1.734 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 đến 200 kWh, giá 2.014 đồng/kWh).
"Dùng tiết kiệm hết sức cũng phải mất đến một triệu đồng. Hơn nữa, điện dùng chung với hộ khác nên thường xuyên bị quá tải", ông Dũng nói.

Đường điện nước tạm bợ trước những ngôi nhà khang trang ở khu tái định cư A51. Ảnh Lê Tân
Không thuê nhà như gia đình ông Dũng, hộ ông Nguyễn Văn Vần, 58 tuổi, đến khu tái định cư xây nhà từ những ngày đầu được giao đất. Do quen biết với hộ dân ở gần đó, ông Vần đã xin dẫn điện và nước về căn nhà 3 tầng để dùng tạm.
"Tôi nghĩ chỉ vài tháng là Nhà nước sẽ đấu điện và nước cho dân dùng. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, việc này vẫn chưa được thực hiện dù các gia đình ở đây nhiều lần phản ánh đến chính quyền", ông Vần cho hay.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Lê Chân, nguyên nhân của thực trạng trên là trong thời gian dài, nhiều khu đất thuộc phạm vi dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chặn các vị trí đấu nối hạ tầng điện, nước.
UBND quận Lê Chân đã đối thoại nhiều lần với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nhưng họ không đồng thuận, tiếp tục kiến nghị về nguồn gốc đất, giá đền bù, phương án tái định cư. Ngày 14/9, UBND quận Lê Chân đã cưỡng chế thu hồi đất với 9 hộ dân cuối cùng, hoàn tất việc giải phóng mặt bằng.
"Chúng tôi đang làm việc với ngành điện để trong tháng 12 cấp điện cho người dân ở khu tái định cư A51", ông Phí Quốc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Lê Chân, khẳng định.
Lê Tân