Villa 31 là một trong những khu đông dân nhất và nghèo nhất ở Buenos Aires, thủ đô Argentina. Số lượng các ca nhiễm nCoV ở đây tăng từ một ca hồi cuối tháng 4 lên 511 hôm 12/5, khiến chính quyền lo ngại cuối tháng này sẽ không thể nới lỏng lệnh phong tỏa thành phố.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi phần lớn khu dân cư bị mất nước suốt 8 ngày nay, trong lúc người dân đang cố gắng chống lại đại dịch. Nhiều người coi đó là sự bỏ bê và phân biệt đối xử của chính quyền vốn tiếp diễn nhiều thập kỷ nay.
"Chúng tôi rất khó chịu vì bị cắt nước. Tôi làm nghề giúp việc gia đình, giờ đang thất nghiệp", Maria Chaile, 37 tuổi, một người dân ở Villa 31, nói.
Tại Buenos Aires, chỉ một phần dân số mà chủ yếu là lao động trong ngành nghề thiết yếu, ra đường mỗi ngày. Nhưng tại Villa 31, khu ổ chuột lâu đời nhất thành phố, hàng chục người như Chaile vẫn đi làm như thể Covid-19 chưa từng xuất hiện.
Cửa tiệm, nhà hàng nhỏ, hiệu làm đầu trong khu phố vẫn mở cửa, đối lập với những khu vực khác của thành phố. Vài thế hệ trong cùng một gia đình thường sống chung trong những ngôi nhà bê tông liền kề chật chội, khiến giãn cách xã hội là việc bất khả thi.
Những ngôi nhà tồi tàn lợp mái tôn dường như xếp chồng lên nhau, nối với nhau bằng cầu thang xoắn ốc bên ngoài. Dây cáp chằng chịt nối trộm điện từ các đường dây gần đó vắt ngang vắt dọc qua đường phố chật hẹp.
Luis Fernando Guispert, sinh viên, 28 tuổi, cùng gia đình chuyển từ Bolivia tới đây sinh sống từ lúc mới hai tuổi.
"Số lượng ca nhiễm đang bùng phát. Điều đáng lo ngại nhất là không thể kiểm soát được, bởi đặc thù khu ổ chuột, đường sá chật hẹp", Guispert nói.
Guispert cho hay phần lớn trong số 40.000 cư dân Villa 31 bất chấp lệnh cách ly bắt buộc ban hành hôm 20/3 của chính phủ bởi sinh kế. Họ phải ra ngoài làm việc hoặc đi tìm thức ăn.
Người dân ở đây đa số làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, ngành nghề chiếm hơn 25% lực lượng lao động của Argentina.
"Lệnh buộc người dân ở nhà, nhưng nếu ở nhà, họ lấy gì mà ăn, vì vậy họ có thể chết vì nCoV hoặc có thể chết đói", Guispert nói.
Khủng hoảng kinh tế tại đất nước có tỷ lệ lạm phát hơn 50% và tỷ lệ thất nghiệp cao, góp phần làm tăng số lượng người nghèo, những người chiếm tới 35% trong tổng dân số 44 triệu dân Argentina.
Những khu nhà lụp xụp mọc lên quanh cảng Buenos Aires từ cuối những năm 1940, trở thành nơi cư ngụ của hàng nghìn lao động nông thôn lên thành phố kiếm ăn, cùng với dòng người di cư từ Italy, theo Valeria Snitcofsky, giáo sư sử học Đại học Buenos Aires.
Villa 31 nằm gần trung tâm du lịch của thành phố và dọc theo quận Puerto Madero, trung tâm thương mại sang trọng, nơi ở của Tổng thống Alberto Fernandez.
"Nơi đây có mật độ dân số tương tự các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro", Fabio Quetglas, chuyên gia quy hoạch, đại học Buenos Aires, nói.
Gần hai tháng sau khi lệnh cách ly bắt buộc có hiệu lực, chính quyền vẫn lo ngại về những khu vực có nguy cơ làm hỏng kế hoạch kiềm chế nCoV như nhà tù, viện dưỡng lão và những khu dân cư dễ tổn thương như Villa 31.
Xét nghiệm nCoV tập trung vào những khu vực này. Tại Villa 31, hơn 50% số ca xét nghiệm đều cho kết quả dương tính. Đa số người dân ở đây làm nghề phục vụ và dọn dẹp trong thành phố.
"Kết quả này thật đáng lo ngại", Fernandez nói khi gia hạn lệnh phong tỏa tới 24/5 trong khu đô thị ở Buenos Aires, nơi chiếm 80% số ca nhiễm của Argentina.
Villa 31 nhanh chóng trở thành tâm dịch Covid-19 của Argentina. Shirley Ruth Aduviri, 32 tuổi, một thợ may người Bolivia sống tại đây, nhận thức rõ ràng điều này.
"Cứ đi ra ngoài mua gì đó là lại thấy có xe cứu thương đến", cô nói. "Nó dễ lây tới nỗi chỉ cần bạn ra ngoài mua bán và nghĩ thể nào cũng nhiễm bệnh".
Covid-19 xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 4,4 triệu người nhiễm và hơn 297.000 người tử vong. Số ca nhiễm ở Argentina tăng nhanh từ đầu tháng 5, với gần 7.000 ca nhiễm, hơn 300 ca tử vong.
Hồng Hạnh (Theo AFP)