Khu ổ chuột chật hẹp nằm ở Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, nổi tiếng sau khi bộ phim "Triệu phú ổ chuột" giành giải Oscar năm 2008. Đây là nơi sinh sống của khoảng một triệu người, đa phần làm nhân viên bảo vệ hoặc giúp việc trong các gia đình ở khu phố thượng lưu lân cận.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố áp lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước, yêu cầu người dân ở nhà với hy vọng biện pháp này sẽ hạn chế nCoV lây lan. Nhưng trên những con đường nhỏ hẹp ở Dharavi, cách biệt cộng đồng là điều bất khả thi với những người sống ở đó, dù chỉ rời nhà mua thức ăn.
Rác rưởi vứt đầy trên đường và gây tắc cống. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn buộc nhiều người dân phải dùng chung nhà vệ sinh, khiến khu vực này trở thành mảnh đất màu mỡ cho Covid-19 lan rộng. Trong những ngôi nhà lợp mái tôn, căn hộ và nhà xưởng nhỏ san sát ở Dharavi, 5 người đã nhiễm nCoV, trong đó hai người tử vong.
"Không ai muốn sống trong điều kiện hỗn loạn, nơi 80 người dùng chung toilet vào sáng sớm cả", Vinod Shetty, giám đốc Quỹ ACORN, một tổ chức phi lợi nhuận, cho hay.
"Nhưng điều kiện sống ở Dharavi chỉ có như vậy. Nếu yêu cầu mỗi người cách nhau hai mét, chúng ta sẽ cần diện tích rộng gấp ba lần Dharavi", ông nói.
Mật độ dân số ở đây là 270.000 người/km2, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Khi thành phố phun thuốc khử trùng khu ổ chuột sáng 6/4, người dân ở đây cảm thấy bất lực khi số lượng ca nhiễm không ngừng tăng.
"Chúng tôi làm được gì? Chúng tôi chỉ có thể vệ sinh nhà cửa trong thời gian phong tỏa", Abdul Kadir, 48 tuổi, nhân viên một cửa hàng tạp hóa, nói. "Chúng tôi đang cố đảm bảo an toàn trong nhà mình".
Điều kiện vệ sinh trong khu phố rất kém. Từ lâu, người dân ở đây đã chỉ trích chính phủ vì không cải thiện cơ sở hạ tầng. Còn các quan chức thành phố đang hy vọng kế hoạch gấp rút lập các "khu chống lây nhiễm" khắp Mumbai, bao gồm Dharavi, sẽ hạn chế được sự lây lan của virus.
Một trong hai ca tử vong ở Dharavi là một công nhân vệ sinh đô thị sống ở nơi khác nhưng làm việc trong khu ổ chuột. Cảnh sát đã dựng rào chắn quây khu vực người này sinh sống hoặc làm việc để ngăn người ngoài ra vào.
Chính quyền cũng cải tạo một sân vận động, biến nó thành cơ sở xét nghiệm 300 giường và trưng dụng một bệnh viện tư để điều trị bệnh nhân nCoV.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lớn nếu virus lây lan", Kiran Dighavkar, một quan chức thành phố Mumbai, cho hay.
Sợ bị tẩy chay cũng khiến nhiều người né tránh khai báo trung thực, ông nói, cho thấy mức độ thách thức mà chính quyền đối mặt khi cố gắng truy tìm những người đã tiếp xúc với người chết và đưa họ đi xét nghiệm.
"Những người thiếu hiểu biết không tiết lộ người họ đã gặp vì sợ bị kỳ thị. Chúng tôi đang cố khiến họ tin tưởng để truy tìm những người có nguy cơ lây nhiễm", Dighavkar nói.
Nhưng một số người dân trong khu ổ chuột lo lắng vì cho rằng đã quá muộn.
"Nếu số ca nhiễm tăng lên, nó sẽ tăng với con số chóng mặt", Anil Sharma, một người làm nghề bảo vệ, cho hay.
Trong khu ổ chuột, người ta vẫn vội vã ra khỏi nhà để mua rau và sữa, một người thậm chí còn dừng lại để cạo râu bên tiệm cắt tóc ven đường. Với Sharma, những cảnh tượng trên khiến anh rất lo lắng.
"Tôi rất sợ hãi", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)