Chủ nhật, 26/1/2025
Thứ năm, 5/12/2024, 12:00 (GMT+7)

Khu nuôi cấy mô dược liệu quý 1.000 m2 tại Bình Định

Nhà xưởng nuôi cấy mô của Bidiphar bảo tồn giống hà thủ ô đỏ, đảng sâm, ba kích tím... giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu và có thể nhân giống ra thị trường.

Để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, chủ động nguyên liệu chất lượng cao và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) triển khai dự án nuôi cấy mô và trồng cây dược liệu quý tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng nuôi cấy mô hiện đại, với diện tích lên đến 1.000 m2, bao gồm khu kỹ thuật sản xuất giống rộng 300 m2 và khu ra cây giống 700 m2.

Đây là nơi các giống cây dược liệu quý hiếm như: lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, ba kích tím được nuôi cấy và phát triển. Hàng ngày, 4 nhân viên tại Trung tâm thực hiện các công việc quan trọng để đảm bảo quy trình nuôi cấy diễn ra hiệu quả. Các công việc bao gồm bật tủ cấy, xả tủ, pha chế môi trường nuôi cấy và đổ môi trường vào các bịch nuôi.

Nhân viên nuôi cấy mô Phan Thị Bảo Thoa kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của giống nuôi cấy mô.

Ngoài ra, các nhân viên cũng được phân công chọn các giống mẹ cần cấy gấp, cấy chuyền cây vào môi trường nuôi, đồng thời ghi chép số lượng cây mẹ và cây con trong ngày, cũng như công thức pha môi trường và số lượng bịch môi trường đã sử dụng. Công việc này được ghi chép tỉ mỉ trong sổ sách để theo dõi tiến độ và chất lượng từng mẻ nuôi cấy.

Túi mô cây Lan kim tuyến. Cây có tên khoa học: Anoectochilus setaceus, còn được gọi là lan gấm, lan lá gấm hay lan kim cương, nổi bật nhờ giá trị dược liệu cao và vẻ đẹp độc đáo. Lan kim tuyến từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền, đặc biệt ở Trung Quốc và các nước Đông Nam. Dược liệu có các hợp chất hỗ trợ điều trị tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ gan, cải thiện chức năng tim mạch.

Cây thường mọc ở rừng nguyên sinh, vùng núi cao, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao như ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lào Cai, Sơn La). Theo đại diện Trung tâm, sau nhiều năm bị khai thác quá mức, vấn đề bảo tồn Lan kim tuyến trở nên cấp thiết.

Một mẫu Lan kim tuyến được xử lý trước khi đưa vào môi trường nuôi cấy.

Mỗi năm, Trung tâm sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 cây giống. Ban đầu, trung tâm tập trung chủ yếu vào các giống cây dược liệu để phục vụ vùng trồng của công ty. Hiện trung tâm đã mở rộng quy mô, cung cấp thêm các giống cây nông nghiệp như keo, bạch đàn, chuối và một số loại hoa cho các đơn vị đặt hàng ngoài tỉnh.

Khu kỹ thuật sản xuất giống được trang bị đầy đủ các thiết bị tiên tiến như nồi hấp tiệt trùng, tủ cấy, hệ thống pha chế môi trường, giàn kệ chiếu sáng, máy điều hòa và hệ thống lọc nước, đảm bảo quy trình nuôi cấy mô khép kín và vô trùng tuyệt đối.

Lãnh đạo đơn vị cho biết việc nhân giống không chỉ giúp bảo tồn các loại dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành dược liệu địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. "Với sự đón nhận tích cực từ khách hàng, Trung tâm đang góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành dược liệu và nông nghiệp chất lượng cao, tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương", vị này nói.

Nguyễn Phan Dũng Nhân