Thứ hai, 23/12/2024
Thứ sáu, 11/11/2016, 14:53 (GMT+7)

Khu nhà ở công nhân hơn trăm tỷ bỏ hoang

Được đầu tư hơn 116 tỷ đồng, công trình nhà ở công nhân đầu tiên ở Thanh Hóa sau một năm thi công hiện bỏ hoang, thành nơi chăn thả trâu bò.

Dự án Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Lễ Môn (xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công tháng 5/2013 thuộc nhóm dự án nhà ở chính sách xã hội. Đây là dự án đầu tiên ở Thanh Hóa được đầu tư xây dựng gắn liền với khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Hóa là chủ đầu tư dự án.

Dự án được xây dựng trên diện tích 3 ha bao gồm nhiều nhà chung cư cao tầng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một xây dựng ba tòa nhà chung cư 5 tầng, với hai loại phòng ở là phòng đơn (26,7 m2/phòng) và phòng đôi (50 m2/phòng, thiết kế khép kín); một nhà ăn tập thể và khu dịch vụ thương mại, một nhà trẻ, một nhà xử lý nước thải sinh hoạt... trên diện tích một ha. Tổng đầu tư giai đoạn một là 116 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, giai đoạn một của dự án hoàn thành trong năm 2015, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân. Giai đoạn hai sẽ xây dựng hoàn chỉnh các tòa nhà chung cư còn lại và công trình phúc lợi, thương mại khác vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay công trình mới xây dựng được phần khung hai tòa chung cư 5 tầng, còn rất nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Quanh công trình cỏ dại mọc đầy, nông dân địa phương tận dụng làm nơi chăn thả trâu bò.

Hai tòa nhà 5 tầng mới được trát vữa, chưa lát sàn. 

Cửa sổ và cửa chính các gian phòng được lắp tạm bợ vài chiếc trong căn phòng đầu tiên hướng Tây.

Dưới tầng một, đồ đạc, rác, túi nylon của công nhân bảo vệ vứt nhếch nhác. Theo thống kê, khu Công nghiệp Lễ Môn có khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động. Để ở gần nơi làm việc, rất nhiều công nhân phải thuê nhà trọ.

Các cuộc khảo sát cho thấy nhà trọ công nhân thuê có chất lượng thấp, cơ sở vật chất còn tạm bợ, vệ sinh môi trường và điều kiện sinh hoạt lâu dài chưa đảm bảo. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động. Trong khi đó, dự án nhà ở công nhân nói trên lại đang "đắp chiếu". Vài bao xi măng nhà thầu chưa dùng đến, giờ vón cục.

Hệ thống điện, nước dở dang.

Do lâu ngày không có người sử dụng và bảo dưỡng, vài thiết bị đã hoen rỉ, có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Hứa Duy Sách, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa (trước đây là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án) cho biết, có nhiều lý do khách quan khiến dự án phải dừng, đặc biệt là do công ty chưa khơi thông được nguồn vốn.

Ông Sách lý giải, việc huy động thêm nguồn vốn, trước đây công ty đăng ký với Bộ Xây dựng danh mục vay gói hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Sau đó, ngân hàng này sáp nhập với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nên việc vay vốn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân thứ hai theo ông Sách là do hiện nay công ty tập trung triển khai cổ phần hóa theo lộ trình tỉnh đăng ký với Chính phủ.

Lê Hoàng