Người dân nêu thắc mắc về việc thu phí tham quan ở Yên Tử
Những ngày đầu tháng Giêng âm lịch, nhiều người du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã thắc mắc việc tỉnh này thu phí tham quan, với mức thu 20.000 đồng/trẻ em và 40.000 đồng/người lớn.
Khi được báo chí nêu câu hỏi về nội dung trên, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định tỉnh Quảng Ninh thu phí “đúng quy định” và đây cũng là chủ trương chung của một số địa phương để có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích.
Trong thực tế, 10 năm qua, khu di tích Yên Tử không thu phí tham quan nhưng vẫn được đầu tư, tôn tạo từ nguồn vốn doanh nghiệp và công đức của khách thập phương.
Doanh nghiệp đầu tư nhiều hạng mục để thu phí
Đơn vị tham gia đầu tư nhiều nhất ở khu di tích Yên Tử trong những năm qua là Công ty Tùng Lâm. Lãnh đạo đơn vị này cho hay, phía công ty đầu tư nhiều hạng mục như cáp treo, bãi gửi xe, xe điện và niêm yết giá công khai. Cụ thể, sử dụng cáp treo 300.000 đồng/vé khứ hồi; đi xe điện 20.000 đồng/vé khứ hồi; gửi xe máy 10.000 - 20.000 đồng...
"Việc sử dụng dịch vụ của công ty hay không là do người dân đến Yên Tử tự quyết định. Hàng năm công ty nộp thuế về ngân sách nhà nước khoảng 40 tỷ đồng”, vị này nói.
Từ năm 2018, Công ty Tùng Lâm đưa hai tuyến cáp treo chạy song song với hai tuyến cũ đi vào hoạt động để phục vụ du khách. Trung tâm văn hóa Trúc Lâm gồm cổng, hồ nước, làng hành hương, lễ trường, bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông… được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cũng bắt đầu đón người dân thập phương.
Cùng với các công trình làm dịch vụ ở khu di tích Yên Tử, Công ty Tùng Lâm còn cúng vào chùa bằng các việc làm cụ thể như xây dựng quảng trường ở tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, xây khu nội viện bốn tầng ở chùa Hoa Yên hàng chục tỷ đồng, lan can bậc đá từ chân tháp tổ lên chùa Hoa Yên…
Theo lãnh đạo Công ty Tùng Lâm, từ năm 2007 đến nay, toàn bộ hệ thống vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở Yên Tử được tỉnh giao cho công ty thực hiện. “Công nhân dọn vệ sinh chủ yếu là người dân địa phương, được chia ra các tổ để gom rác rồi gánh xuống điểm tập kết và vận chuyển rác từ trên núi cao xuống bằng hệ thống cáp tời riêng. Khi chuyển rác xuống bên dưới chúng tôi phối hợp với công ty môi trường đưa đi xử lý”, vị này nói.
Trong ba tháng mùa lễ hội chính, Công ty Tùng Lâm bố trí khoảng 100 công nhân dọn vệ sinh và từ tháng bốn đến hết năm vẫn duy trì trên 20 công nhân; lương do công ty chi trả trung bình gần 6 triệu đồng/tháng/công nhân.
"Tiền công đức có năm khoảng 30 tỷ đồng"
Ngoài khoản đầu tư từ doanh nghiệp nêu trên, hàng năm, tiền công đức của du khách thập phương ở Yên Tử cũng được dùng cho trung tu, tôn tạo các công trình nơi đây.
Ông Phạm Văn Dược, Phó trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, từ năm 2007 trở về trước, tiền công đức ở Yên Tử do UBND TP Uông Bí đứng ra tổ chức thu và nộp ngân sách theo quy định. Từ năm 2007 đến nay, tiền công đức giao cho nhà chùa quản lý và một số cơ quan tham gia giám sát.
Theo ông Dược, người dân công đức vào chùa bằng nhiều cách khác nhau, có người bỏ vào hòm công đức, có người cúng trực tiếp vào chùa hoặc xây dựng hạng mục nào đó… Hàng năm tiền công đức ở Yên Tử đều được thống kê, có năm khoảng 30 tỷ đồng, năm 2017 là hơn 17 tỷ đồng.
Hòm công đức được niêm phong, khi nào nhà chùa thấy nhiều sẽ mở để kiểm tra dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước và được lập biên bản, sau đó bàn giao số tiền lại cho nhà chùa quản lý, sử dụng.
Trong tổng số tiền công đức thu được, 4% trích lại cho Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử để làm công tác an ninh, làm thêm giờ. Hiện Ban quản lý có 69 cán bộ, công nhân viên bảo vệ khoảng 3.000 ha rừng, được chia ra các điểm trực chốt trên núi và bên dưới.
"Việc xây dựng một số công trình lớn như chùa Đồng và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông do nhà chùa kêu gọi và được làm từ tiền công đức. Còn hệ thống đường từ quốc lộ 18A vào chùa, hệ thống điện chiếu sáng khu vực bến xe,... là tiền ngân sách Trung ương chuyển về", ông Dược cho biết.
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc tôn tạo ở Yên Tử trong nhiều năm qua được Giáo hội kêu gọi đầu tư xã hội hóa, tức là nguồn công đức của nhân dân.
"Người dân công đức để xây dựng trùng tu vì vậy họ phải được thừa hưởng khi đến đây, nghĩa là chính quyền không nên thu phí tham quan", Đại đức Thích Đạo Hiển nhấn mạnh.
Gần nửa tháng, thu phí tham quan trên 10 tỷ đồng Từ ngày 1/1, tỉnh Quảng Ninh thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí. Khoản thu này sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động bộ máy của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử; 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. "Từ ngày mùng một Tết đến hết ngày 12 tháng Giêng, Yên Tử đã đón trên 243.000 lượt khách, tổng thu phí trên 10,5 tỷ đồng”, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết. |