Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị lãnh đạo về dự và dâng hương tại quảng trường chiến thắng Bạch Đằng Giang - nơi đặt tượng đài 3 người anh hùng dân tộc: Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nói vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vào thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 13 đã diễn ra 3 trận thủy chiến hào hùng chống quân xâm lược phương Bắc.
Với tấm lòng thành kính tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt, "nhân dân TP Hải Phòng đã tận tâm, tận lực xây dựng khu di tích tại vùng đất Tràng Kênh, trung tâm của chiến trường năm xưa".
Theo ông Lê Văn Thành, trải qua gần 20 năm liên tục được bồi đắp và hoàn thiện, bằng nguồn lực xã hội hóa từ tấm lòng của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay. "Đặc biệt, việc phát hiện các bãi cọc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, tại thôn Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của Khu di tích Bạch Đằng Giang", ông Lê Văn Thành nói.
Lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ đạo Ban Quản lý Khu di tích ban hành Quy chế quản lý, phát huy mô hình quản lý "3 không" trong những năm vừa qua, tiếp tục duy trì Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối "không thu vé tham quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ, không không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách".
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trao bằng xếp hạng Khu di tích Bạch Đằng Giang là di tích lịch sử quốc gia cho lãnh đạo TP Hải Phòng.
Sau lễ đón nhận là chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi với chủ đề "Hào khí Bạch Đằng Giang" được dàn dựng công phu, có sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong cả nước.