Căn nhà cấp 4 của ông Lam đến 11h trưa 18/9 vẫn còn ngập nước, dù trời đã tạnh và bão Noul sau khi đổ bộ vào Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã sang Lào. Vợ chồng cùng hai người con trai chờ nước ngoài hẻm rút bớt rồi thay phiên nhau dùng chậu tát nước từ trong sân ra.
"Hàng chục năm rồi, cứ mưa là ngập. Đêm qua thì mọi người lo hơn, vì nước vào đến nhà ngập sâu cả mét, sấm chớp đùng đoàng", ông Lam nói. Tivi, tủ lạnh, giày dép... trong nhà đã được kê lên cao từ chiều qua, nhưng nhiều vật dụng vẫn bị thấm nước.
Sống chung với ngập suốt thời gian dài, ông Lam quyết định xây một gờ cao ngay cổng vào để chặn nước, dù mỗi lần chạy xe máy ra vào khó khăn hơn. Nhưng gờ cao đó cũng không ngăn được nước, chỉ giúp cản rác thải theo dòng nước đem ngòm không trôi vào nhà.
Chung cảnh ngộ với nhà ông Lam, khoảng 90 hộ với 300 dân ở khu vực Khe Cạn (thuộc hai tổ 26 và 27 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) đêm qua không ngủ vì phải canh nước lên. Ông Phạm Sỹ Đông, Trưởng tổ dân phố 26, hì hục nhiều giờ dùng bốn chiếc ghế nhựa màu đỏ làm chân để kê chiếc giường lên trên.
Chiếc nệm được kê cao hơn một mét, là chỗ nằm cho bà Nguyễn Thị Kim Mai (56 tuổi, vợ ông Đông). Bà bị ung thư phổi di căn xương, suy kiệt nằm một chỗ. Ổ điện được ông Đông treo cao lên tường để có thể cắm điện chiếu sáng, nhiều đồ đạc bị ướt nhưng đành phó mặc cho trời.
Sáng nay, nước rút nhưng chiếc nệm dày hơn 20 cm bị ướt sũng vẫn rỉ từng giọt xuống chiếc thau nhựa. Người đàn ông 60 tuổi mặt mũi phờ phạc vì thiếu ngủ nhưng vẫn gắng gượng dọn dẹp nhà cửa để con được chợp mắt.
Theo ông Đông, sau khi thành phố làm đường và dự án kênh thoát nước Phú Lộc ngay cạnh khu dân cư, Khe Cạn trở thành vùng trũng và "cứ mưa chừng 30 phút là ngập", mỗi năm ngập 3-4 lần. Khoảng 3 năm nay, khu vực này được quy hoạch dự án nhưng đang... treo.
"Dân chúng tôi làm nhà hay muốn sửa sang cho nền cao hơn để đỡ ngập khi mưa, gió bão đỡ lo đổ nhà cũng không được. Giờ cứ mưa lớn là lại dọn đồ lên cao để sống chung với ngập úng", một người dân nói và cho biết sợ nhất là đường điện, nếu một nhà bị rò rỉ sẽ nguy hiểm tính mạng cho cả khu dân cư.
Người dân Khe Cạn từ già đến trẻ đã hình thành một thói quen, cứ mưa lớn là đưa xe máy lên những nhà nền cao hơn gửi tạm, thu dọn đồ đạc. Đêm xuống ngồi canh nước vào nhà đến đâu thì di tản người và các vật dụng đến đó. Nước rút sẽ phụ nhau quét dọn từ nhà ra ngõ...
"Trước đây mưa nhiều ngày mới ngập úng. Còn hai năm trở lại đây chỉ cần một trận mưa lớn là nhà nào cũng ngập hết", bà Nguyễn Thị Lai (61 tuổi, tổ 26) nói. Nhiều người dân như bà Lai không thể phân tích các nguyên nhân gây ngập úng, chỉ biết "cả khu vực không có đến một chỗ thoát nước mưa".
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết dân cư khu vực Khe Cạn phát triển tự phát, mương thoát nước trước đây bằng đất, nước sinh hoạt đều đổ ra đây gây ô nhiễm. Thành phố đang đầu tư một hệ thống cống hộp để gom nước về hệ thống xử lý nước thải Phú Lộc.
"Phía trên cống hộp sẽ hình thành một tuyến đường giao thông. Tuy nhiên vướng giải toả đền bù nên khoảng hai năm nay chưa triển khai được dự án", ông Hùng nói và cho biết trách nhiệm về giải toả đền bù đã được thành phố giao cho quận Thanh Khê.
Ông Hồ Thuyên - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cho biết chủ trương của thành phố trong việc chống ngập úng cho khu vực Khe Cạn đã có từ lâu, nhưng "còn nhiều nội dung" cần giải quyết. Tới đây, quận sẽ tuyên truyền cho người dân để cùng chung tay thực hiện.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, cho biết sáng nay bão Noul đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy không là tâm bão, từ 19h ngày 17 đến 7h ngày 18/9, Đà Nẵng mưa rất to, dao động 123-248 mm.