Các tài xế đứng bên cạnh dãy xe tải dài đang chờ sang khu công nghiệp Kaesong ở một chốt kiểm tra quân sự tại thành phố biên giới Paju, Hàn Quốc hôm nay. Ảnh: AFP |
Yonhap xác nhận hôm qua là ngày thứ 5 liên tiếp Triều Tiên chặn các công nhân và xe chở hàng vào khu công nghiệp do Seoul tài trợ vốn Kaesong.
Không được bổ sung nhân công, nhiên liệu và nhiều nguyên vật liệu khác, hôm qua, cùng với 4 công ty trước đó, thêm 9 công ty nữa đã phải ngừng hoạt động. Thông tin này được Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, xác nhận.
Bình Nhưỡng vẫn cho phép các công dân Hàn Quốc đang lưu lại Kaesong về nước. Hôm qua, một công nhân bị ốm và một tài xế đã trở về bên này biên giới. Tổng cộng còn 514 người Hàn Quốc và 4 người Trung Quốc ở khu công nghiệp.
Bộ Thống nhất cho biết khoảng 39 người Hàn Quốc và 21 phương tiện dự kiến quay về Seoul hôm nay. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, số người Hàn Quốc còn lưu lại ở Kaesong sẽ là 475, trong khi bình thường, con số này ít nhất là phải 700.
"Mỗi phút trôi qua đều là một khoảnh khắc quan trọng. Sẽ còn nhiều vấn đề thiếu thốn thực phẩm và nguyên vật liệu tuần này", một quan chức Seoul nói. "Tình hình sẽ diễn biến xấu đi".
Kaesong ra đời năm 2004, nằm sâu 10 km bên trong biên giới Triều Tiên. Đây là một biểu tượng quan trọng hiếm có về sự hợp tác kinh tế liên Triều và là nguồn thu ngoại tệ lớn đối với Bình Nhưỡng.
Khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc trong các nhà máy, từ sản xuất hàng hóa đến giày và đồng hồ, cho 123 công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp này. Đến nay Hàn Quốc đã đầu tư 900 tỷ won (hơn 800 triệu USD) vào Kaesong với tổng doanh thu đạt 2,1 tỷ USD.
Bất chấp nhiều thời điểm khủng hoảng trước đây trong quan hệ hai nước, Kaesong vẫn hoạt động và chưa bao giờ bị ngưng trệ như lần này. Bình Nhưỡng dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp, cáo buộc Seoul "xúc phạm danh dự" lãnh đạo Triều Tiên khi nói rằng Bình Nhưỡng không dám giải thể Kaesong dù căng thẳng có leo thang.
Anh Ngọc