Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) rộng 335 ha, thành lập từ năm 1963, được xem là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Năm 2009, Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Đồng Nai chuyển đổi nó thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và cải thiện môi trường.
Theo đó, đề án sẽ tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 thành hai hồ sơ.
Khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh có quy mô khoảng 44 ha, gồm hai dự án đang triển khai là Trụ sở công an tỉnh và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước.
Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286 ha với hai công trình hiện hữu được giữ lại là Tòa nhà Sonadezi và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết việc chuyển đổi là cần thiết vì phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP Biên Hòa. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm dọc bờ sông Cái, bám dọc theo Quốc lộ 1. Vị trí chiến lược này sẽ trở thành đầu mối quan trọng kết nối vùng, cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP HCM, phù hợp chuyển đổi thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ.
Đề án chuyển đổi cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thay đổi diện mạo kiến trúc TP Biên Hòa. Hiện có 70 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp FDI thuê đất, hạ tầng đang hoạt động tại khu công nghiệp. Tổng số lao động đang làm việc tại khu công nghiệp gần 21.500 người. Tuy nhiên tỉnh cho biết phần lớn các nhà máy không sử dụng hiệu quả diện tích đất. Với năng lực sản xuất hiện nay, các nhà máy cũng khó mở rộng hoạt động, dẫn đến suất sinh lợi trên đất thấp.
Theo UBND tỉnh, sau khi hoàn thành, một khu đô thị, dịch vụ, thương mại mới sẽ hình thành nằm trải dài theo bờ sông Đồng Nai. Đề án cũng giúp hiện thực hóa việc phát triển khu trung tâm mới tại phường Thống Nhất và phường Hiệp Hòa, gắn kết khu trung tâm với cửa ngõ thành phố.
Quá trình chuyển đổi cũng đối mặt với nhiều khó khăn như bồi thường giải phóng mặt bằng hay việc di dời các doanh nghiệp, người lao động và các hộ dân.
UBND tỉnh cho biết sẽ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập với các doanh nghiệp thứ cấp phải di dời đến địa điểm khác để xây lại nhà máy. Với các chủ đầu tư, tỉnh cũng áp dụng ưu đãi tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tín dụng và bố trí quỹ đất đất xây nhà ở xã hội. Việc di dời các doanh nghiệp khỏi khu công nghiệp dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025.
UBND TP Biên Hòa được giao chuẩn bị các khu tái định cư cho người dân trong ranh khu công nghiệp trong quý IV. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đề xuất chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất.
Ngọc Diễm