Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), trong giai đoạn 2025-2030, đơn vị xác định ưu tiên tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ chủ lực: Vi điện tử, bán dẫn, Trung tâm dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Data Center & AI Factory), Robot và Thiết bị tự hành (Autonomous), Công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.
"Nhằm đảm bảo phát triển công nghệ cao, SHTP quyết tâm thu hút các dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Phùng nói. "Từ đó sẽ hướng tới ươm tạo thành công các công ty công nghệ cao trong nước có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu".
SHTP ra đời năm 2002, là một trong những khu công nghệ cao lớn nhất cả nước. Đây là nơi đặt cơ sở của nhiều ông lớn công nghệ thế giới như Intel, Jabil, Nidec, Nipro, NTT Data, Samsung, FPT, Vietjet, CMC. Sau 22 năm, khu vực này thu hút khoảng 160 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD. Ngoài ra, các dự án này thu hút hàng nghìn cơ hội việc làm chất lượng cao cho người Việt, đóng góp vào doanh thu xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao lũy kế 170,4 tỷ USD, theo ông Phùng.
Tuy nhiên, các trung tâm R&D của thế giới vẫn chưa xuất hiện nhiều tại Việt Nam nói chung và SHTP nói riêng. Theo trưởng ban quản lý SHTP, thách thức hiện nay là vừa đảm bảo tìm kiếm, mời gọi được các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên phong, vừa phải đảm bảo phát triển được các doanh nghiệp công nghệ nội sinh từ trong nước, với yêu cầu khắt khe về môi trường, tiêu chuẩn xanh, trung hòa carbon.
Trong khi đó, khoa học công nghệ được đánh giá thường có độ trễ lớn trong nghiên cứu, thay đổi nhanh trong thực tiễn. "Bất kỳ sơ sẩy nào trong lựa chọn cũng làm đánh mất rất nhiều cơ hội phát triển", ông Phùng nói.
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được đánh giá sẽ giúp tháo gỡ nhiều thách thức cho hoạt động này.
Theo đó, Bộ Chính trị cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các cơ quan nghiên cứu được khuyến khích xây dựng cơ chế cho phép tổ chức và nhà khoa học thành lập, điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được khuyến khích và hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh...
"Với sự rõ ràng về đường lối, phương hướng phát triển khoa học công nghệ, cùng với những cách tân về tư duy, tầm nhìn, Nghị quyết 57 trở thành kim chỉ nam để SHTP cụ thể hóa mục tiêu và kế hoạch hành động trong thời gian tới", ông Phùng nói.
Cùng với việc thu hút các trung tâm R&D, SHTP cho biết tập trung vào nhiều lĩnh vực mới, điển hình như vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. "Để kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu và huấn luyện AI, chúng tôi đang thu hút các trung tâm dữ liệu kết hợp trí tuệ nhân tạo quy mô lớn, hay AI Factory", ông Phùng nói.
Trong lĩnh vực bán dẫn, đơn vị này có hơn 70 loại hình sản xuất công nghệ cao. "Chúng tôi sẽ từng bước ưu tiên kêu gọi đầu tư trước tiên là các dự án về thiết kế, đóng gói và kiểm thử... sau đó là nhóm siêu dự án trọng điểm liên quan tới sản xuất chip, ông Phùng nói.
Trước đó, trong hội nghị về doanh nghiệp công nghệ số, giữa tháng 1, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá một trong những điểm yếu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ là năng lực nghiên cứu và phát triển hiện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ. Ngoài ra, trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt "nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Ông đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm với ngành và doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, vì đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
"Phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các công nghệ chiến lược", Tổng Bí thư nói, nhắc đến công nghệ gồm AI, IoT, Big Data, Cloud Computing và Blockchain, thông tin di động, vũ trụ. "Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh", ông nói.
Sự ra đời của Nghị quyết 57 cũng được các nhà khoa học đánh giá sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn. Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Nghị quyết số 57 tạo ra những điểm mới đột phá, dưới hình thức như một cuộc cách mạng để thay đổi từ nhận thức, nội dung, đến phương thức làm việc.
Ông Duy nhìn nhận, hiện vẫn còn các nguồn lực chưa thực sự được giải phóng, còn những điểm nghẽn kể cả về nhận thức, thể chế. Nghị quyết 57, theo ông Duy, là tín hiệu rất vui mừng với không chỉ riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số mà cho cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được những kết quả đã đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Lưu Quý