Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư công nghệ cao diễn ra sáng 30/9, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (HHTP) cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi tại điều 24 đã xác định HHTP là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô. Đây là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Theo đó Luật cũng quy định một số chính sách vượt trội, giao quyền cho UBND TP Hà Nội trong thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao và ban hành quy chế hoạt động các khu công nghệ cao trên địa bàn. Lãnh đạo HHTP cho rằng Luật Thủ đô là hành lang pháp lý quan trọng, "cú hích" cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.
Theo ông Trần Đắc Trung, Phó ban quản lý HHTP, hiện HHTP triển khai lấy ý kiến góp ý dự thảo các Nghị quyết triển khai Luật Thủ đô 2024 và xây dựng dự thảo quy định chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Dự kiến các Nghị quyết này sẽ được trình HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. Các cơ chế vượt trội được coi là cơ sở giúp HHTP thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn. Các công nghệ được thu hút đầu tư phải có tiềm năng dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu, từng bước đưa HHTP trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, tiếp nhận chuyển giao, đổi mới và sáng tạo công nghệ hàng đầu cả nước, là cầu nối về công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.
Lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, mục tiêu sau năm 2030, đơn vị trở thành thành phố khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng. HHTP tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn tới Việt Nam ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các ngành nghề ưu tiên như bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao...
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện công ty tư vấn EY Việt Nam đánh giá cao Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong phát triển chuỗi liên kết đầu tư. Điều này thể hiện các nhà đầu tư tại HHTP có khả năng hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và kết nối nghiên cứu với sản xuất. Ngoài ra, các trường đại học công nghệ và viện nghiên cứu tại Hòa Lạc tạo nên một chuỗi liên kết đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút 108 dự án đầu tư, gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đặt trụ sở, cơ quan nghiên cứu tại Hòa Lạc như Viettel, FPT, Mobifone, VNPT, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST)... Trong giai đoạn phát triển mới, HHTP cần thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu.
Vĩnh Hà