UBND thành phố vừa ban hành quy chế quản lý kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Hiện nay khu vực này có dân số 66.600 người, mục tiêu đến năm 2020 giảm còn 45.000 người.
Toàn khu phố cổ được chia ra làm 2 khu vực, trong đó khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 rộng khoảng 19 ha, được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật cùng 14 phố và đoạn phố khác như Hàng Buồm, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, Hàng Muối, Mã Mây… Trong khu vực này, các công trình muốn cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước 1954 hoặc theo phong cách, kiến trúc không gian tiêu biểu của phố cổ.
Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 2 rộng 63 ha, gồm 66 phố và các ô phố còn lại trong ranh giới phố cổ. Hầu hết các phố trong khu vực này được khuyến khích cải tạo, phục dụng lại kiến trúc cổ, bảo tồn các công trình 2 tầng trở xuống. Thành phố cũng chỉ đạo màu sắc của các ngôi nhà khu phố cổ phải sơn màu truyền thống, lan can có chất liệu gỗ hoặc giả gỗ.
Đặc biệt, tại khu vực phố cổ không được xây dựng các trung tâm thương mại lớn, không xây dựng các công trình nhà ở mới làm tăng dân số hay mật độ xây dựng, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông. Riêng phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải cho phép xây dựng các công trình đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng. Các công trình xây dựng cũng bị cấm có tầng hầm, trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật với điều kiện không ảnh hưởng đến các công trình di tích khác.
Đối với quy định về mật độ xây dựng, tầng cao, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình tại khu phố cổ, mật độ xây dựng tối đa là 70%, chiều cao lớp nhà mặt phố từ 1-3 tầng, tương đương với cao từ 6 - 12 m. Riêng phố Phan Đình Phùng, nhà mặt tiền được xây tối đa 4 tầng (16 m), phía sau được xây tối đa 5 tầng (tối đa 20 m). Các phố còn lại, nhà phía sau được xây từ 2 - 4 tầng (tối đa 16m).
Đoàn Loan