Ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên 26 để thảo luận, cho ý kiến về báo cáo thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; báo cáo kết quả xử lý các vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi từ sau phiên 25 đến nay; báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Các cơ quan tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh ba yêu cầu, trước hết công tác phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Phòng chống tham nhũng phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác phòng, chống tiêu cực, phải được đặc biệt quan tâm, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, việc đang làm dở, và khó khăn trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn, thu hồi tài sản tham nhũng.
Cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt" gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các vụ án liên quan đến công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp, phải phấn đấu xử lý dứt điểm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng chống tham nhũng tiêu cực, gồm: thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc; thanh toán không dùng tiền mặt; khắc phục các sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được chú trọng, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nhất là xử lý dứt điểm sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, AIC...
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu xem trọng. Ông mong muốn các cơ quan kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động; khắc phục hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương.
5 ủy viên Bộ Chính trị, 1 ủy viên Ban Bí thư và 4 ủy viên Trung ương thôi chức trong 6 tháng đầu năm
Trước đó, Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo và sự đoàn kết, thống nhất cao, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt. Điều này đã góp phần quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh các sai phạm, gắn với xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu, "tạo bước đột phá mới" trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 71.500 tỷ đồng và 24,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023); chuyển 269 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý. Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 89 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.
Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, một Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.
Trong buổi họp báo chiều cùng ngày, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết nửa năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 14 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Trong 47 cán bộ bị kỷ luật có 2 Phó thủ tướng, nguyên Phó thủ tướng; 3 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 11 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 18 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 2 Chủ tịch HĐND tỉnh; 4 Phó bí thư, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 24 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cơ quan điều tra đã chủ động khởi tố mới, mở rộng điều tra, làm rõ bản chất tham nhũng, câu kết lợi ích nhóm. Công an đã xử lý nghiêm sai phạm, kể cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
"6 tháng đầu năm, 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị khởi tố, nâng số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị khởi tố từ đầu nhiệm kỳ đến nay lên 55", ông Đông nói.
Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, cảnh sát hiện đã khởi tố 23 bị can, trong đó có một cựu Bí thư Tỉnh ủy, một cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, hai Chủ tịch tỉnh và một cựu Chủ tịch tỉnh. Trong 8 bị can của vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An có một cựu Bí thư Tỉnh ủy và một cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nửa năm qua, các địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án với hơn 1.000 bị can về tội tham nhũng, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương còn phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, cả những vụ xảy ra từ nhiều năm trước. Nhiều cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý đã bị khởi tố.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên 85.520 tỷ đồng.
Phạm Dự - Viết Tuân