Cách đây nửa năm, chị Tuyết (Ba Đình, Hà Nội) liên tục nhận được điện thoại từ số điện thoại xưng thuộc công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng của một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, yêu cầu thanh toán khoản vay 20 triệu đồng. Hỏi nhân viên đòi nợ chị vỡ lẽ, số điện thoại của mình nằm trong danh sách "người có liên quan với người đi vay".
"Không hiểu sao số điện thoại của tôi lại lọt vào hồ sơ của họ. Tôi đã nói rõ mình không có quan hệ gì, không biết người đi vay là ai và đề nghị họ kiểm tra lại hồ sơ. Lần nào họ cũng nói ghi nhận, kiểm tra nhưng các cuộc gọi đòi nợ tái diễn với tần suất ngày một nhiều. Có ngày tôi nhận không dưới chục cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ với lời lẽ đe doạ, khiếm nhã, bất kể ngày hay đêm", chị Tuyết phản ánh. Sau đó chị phải nhờ can thiệp nhưng cũng mất thời gian sự việc mới được giải quyết.
Tương tự, chị Thuý - nhân viên một cơ quan truyền thông tại Hà Nội cũng bức xúc khi kể lại việc bị một công ty cho vay tiêu dùng nã đòi nợ. "Tôi khẳng định với phía người gọi họ đã nhầm, đề nghị kiểm tra lại thông tin, không làm phiền người khác nhưng các cuộc gọi tới vẫn thường xuyên. Thậm chí họ doạ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra về tội trốn nợ, kiện ra toà... nếu không trả", chị Thuý kể.
Dù chị Thúy đã yêu cầu xác minh, kiểm tra lại hồ sơ người liên quan nhưng phía công ty này không tiếp thu mà vẫn "truy nã" điện thoại.
Tình cảnh bị làm phiền do đòi nợ nhầm mà chị Tuyết gặp phải cũng giống với gần 100 trường hợp người tiêu dùng đã phản ánh về Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vài tháng qua.
Cơ quan này cho biết, hầu hết các trường hợp phản ánh việc liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe doạ, nhắc nợ dù không vay. Trong số này có người bị gọi điện, quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc một ngày. "Các hình thức quấy rối này hiện gây bức xúc, ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận xét.
Trước thực tế này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân cần hỏi rõ đơn vị đòi nợ mình là ai, khoản nợ thế nào... để có đủ cơ sở khiếu nại tới cơ quan quản lý.
Trường hợp đã thông báo, đề nghị mà vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục qua email hoặc tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. Các thông tin khiếu nại cần cung cấp đầy đủ như số điện thoại, tên người bị gọi điện làm phiền, tên đơn vị đòi nợ và tóm tắt vụ việc... để Cục có cơ sở làm việc, giải quyết khiếu nại.
Bình luận về hiện tượng người dân liên tục bị "nã" đòi nợ nhầm gần đây, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, kiểu đòi nợ tưởng chừng chuyên nghiệp nhưng không khác cách hành xử xã hội đen. Nguyên nhân theo ông, chính là các khoản vay tiêu dùng đang được giải ngân với điều kiện lỏng lẻo, chỉ cần có thông tin, số điện thoại người có liên quan là được vay, không yêu cầu giấy tờ đảm bảo.
Bất cập từ chính sách cho vay, hồ sơ vay dễ dãi... nên cũng dễ phát sinh nợ xấu. Tuy nhiên, do các khoản vay này lãi suất rất cao, vài chục phần trăm một tháng nên các công ty cho vay tiêu dùng vẫn giải ngân. Khi phát sinh nợ quá hạn họ dùng biện pháp đòi nợ mạnh kiểu "truy nã" là điều khó tránh.
Theo vị này, cần có quy định chặt chẽ hơn trong giải ngân hồ sơ vay tiêu dùng, quy định về nguyên tắc đòi nợ cũng cần chặt chẽ hơn, như không cho phép đòi nợ người thân, người liên quan...
Anh Minh