Ngày nay khi mà xã hội nhìn nghề giáo không đẹp như xưa, khi mà các ban trẻ thường làm ngơ nghề sư phạm khi vào đời, thì tôi tự hào và trân trọng nghề nghiệp của mình. Các bạn có thể hỏi tại sao tôi lại tự hào đến vậy? Đơn giản vì đó là ước mơ trong suốt hơn 30 năm của tôi. Để có thể làm một thầy giáo như hôm nay, tôi đã phải vượt qua những thử thách của cuộc sống cũng như đấu tranh tư tưởng mãnh liệt.
Ngay từ khi còn là một cậu học sinh tiểu học, tôi đã thần tượng các thầy, cô giáo. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh má tôi, một giáo sư “đệ nhất cấp”, mỗi sáng đến trường trong tà áo dài thướt tha. Tôi cũng không thể quên thầy Thành dạy Anh văn năm lớp 6 với vẻ đạo mạo trong bộ áo sơmi trắng, quần tây đen, cặp kính gọng vàng ngay ngắn trên khuôn mặt. Từng bài giảng, từng lời nhắc nhở, động viên chúng tôi, khiến tôi cảm nhận rõ lòng yêu nghề và sự tận tuỵ của thầy. Khi ấy, tôi cảm thấy được làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng, được truyền lại kiến thức tới các thế hệ sau thật tuyệt biết bao. Đam mê nghề sư phạm của tôi hình thành từ đấy.
Sau khi Sài Gòn giải phóng, cả nước chung tay xây dựng đất nước sau bao năm chiến tranh, nhà tôi cũng theo chính sách kêu gọi của nhà nước đi kinh tế mới. Vì mưu sinh, nên má tôi cũng đành bỏ nghề giáo để ra chợ buôn bán nuôi anh em chúng tôi ăn học. Vừa tự học, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, tôi hy vọng sau này sẽ được nối tiếp nghề nghiệp của má để trở thành thầy giáo tương lai. Việc ở cái vùng kinh tế mới muốn học không dễ dàng gì. Ban ngày tôi cày cuốc, trồng trọt, thức từ 3 giờ sáng đến chiều tối mịt mới về tới nhà. Dù mệt đến nỗi chỉ muốn được ngủ để lấy sức khỏe cho ngày mai, nhưng tôi vẫn cố gắng coi sách vở, học bài để không bị quên kiến thức. Nghề nhà giáo dù cao sang nhưng đồng lương ít ỏi, ăn không đủ no huống chi mà nghĩ đến chuyện lo gia đình. Má tôi vì không muốn tôi cực khổ và lãng phí vô ích, nên ra sức khuyên tôi chọn cái nghề không chỉ có thể nuôi thân, mà còn phải đủ khả năng lo cho mấy đứa em đang tuổi lớn. Tuy vậy, tôi vẫn “cứng đầu” theo đuổi lý tưởng của mình bằng cách đi thi.
Ngày tôi đậu đại học, má tôi không nói gì nữa. Bà chỉ lẳng lặng gói cho tôi vài nắm gạo, bắt vài con gà và gói gém một ít tiền dành dụm để tôi tự lo thân. Bốn năm đại học trôi qua khá suôn sẻ dù nhiều khó khăn thiếu thốn. Những buổi gò lưng đạp xe đi học với bữa trưa đựng trong lon sữa, hay ngày hè lao động ở nông trường cao su có là gì so với sức vóc và quyết tâm của một chàng trai.
Cứ tưởng qua những khó khăn thì trời sẽ lại sáng. Nhưng ông trời lại tiếp tục cho tôi những thử thách mới. Khi tốt nghiệp, tôi được phân công về Long Xuyên giảng dạy. Khi biết tin, má tôi khóc suốt vì điều kiện Long Xuyên khi ấy còn khó khăn đủ thứ. Tôi an ủi má hai năm cũng nhanh thôi, với lại, sức thanh niên thì ngại gì gian khó. Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi đã phải nhiều lần đấu tranh tư tưởng giữa tiếp tục hay bỏ cuộc trước những khó khăn mà tôi phải đối mặt tại vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Nhìn ngôi trường vách gỗ, lợp mái lá nằm giữa đồng trống, tôi thất vọng lắm. Mọi hy vọng về tương lai tưởng chừng sụp đổ. Mỗi lần như muốn chuẩn bị hành lý về lại Sài Gòn thì tôi lại tự nhớ lại vì sao mình bắt đầu.
Nhưng gian nan đâu chỉ dừng lại ở môi trường thiếu thốn. Cuộc sống ở Long Xuyên ngày ấy vất vả khôn lường. Lương chỉ vừa đủ chi tiêu. Tôi muốn về thăm nhà phải xin má tiền xe nên tôi chẳng mấy khi về. Thậm chí, có những ngày tôi và đồng nghiệp đói vàng cả mắt vì trễ lương, không đủ tiền ăn. Không những thế, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái lạnh cắt da cắt thịt những hôm trời mưa bão, gió bật tung mái dãy nhà ở của giáo viên. Rồi nhiều khi tới lớp mùa lũ, nước ngập tới bắp chân nhưng thầy vẫn dạy, trò vẫn học. Cuộc sống khốn khó nhiều khi tôi còn chịu được, nhưng tôi và các giáo viên “thành phố” còn phải chịu sự phân biệt đối xử của ban giám hiệu và các giáo viên địa phương…
Vất vả trăm bề, tôi lại cứ muốn ôm hành lý về nhà bỏ hết mọi thứ để phụ má buôn bán, nhưng mỗi lần như thế tôi lại nhớ đến tình cảm chân thật của các em học sinh, sự chất phác của phụ huynh, những người dân miền Tây thật thà. Tôi lại nghĩ đến những ngày trời mưa thầy trò cùng gom lá để lót lại mái lớp, lội bùn dạy học, nghĩ đến một ngày tôi không còn đứng trên bảng đen, hít phấn lòng tôi lại đau nhói khó tả. Cứ như vậy tôi không thể dứt áo ra đi bỏ lại những đứa học trò với ánh mắt long lanh, vượt đường xa hàng trăm cây số đang chờ học từng con chữ, mong sao có được tương lai tốt đẹp hơn.
Trong thời gian dạy học xa nhà, tôi không biết ba má đang làm hồ sơ để gia đình xuất cảnh theo diện HO. Sau hai năm ở Long Xuyên, cuối cùng tôi cũng được chuyển công tác trở lại Sài Gòn. Về lại thành phố không lâu, vừa quen với công việc và trường mới, tôi phải đứng trước sự lựa chọn nan giải giữa việc đi hay ở? Cuộc sống thiên đường ở Mỹ là điều mơ ước của nhiều người, còn cuộc sống ở Sài Gòn dù lúc đó cũng đang thay đổi, nhưng vẫn còn khó khăn, vất vả. Đồng lương giáo viên đã tốt hơn, nhưng cũng chỉ vừa đủ cho cuộc sống mỗi tháng, bù lại tôi lại được làm nghề nghiệp mà tôi đã mơ ước. Tôi sẽ được đứng lớp, chấm bài, soạn giáo án, được dạy các em những đạo lý làm người, truyền cho các em không chỉ con chữ, mà còn ý chí phấn đấu vượt qua những sóng gió. Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định ở lại còn ba má và các em ra đi…
Bây giờ tôi cũng sắp về hưu, đưa vài chuyến đò nữa là hoàn thành nhiệm vụ trồng người. Tôi không có chức vụ gì để khoe với mọi người, tài sản của tôi giờ đây cũng là đồng lương giáo viên vừa đủ sống, cùng với những lá thư đầy tình cảm của học trò, trong đó không ít em thành đạt thành bác sĩ, kỹ sư, hoặc doanh nhân trẻ. Tôi thấy vậy là đủ và tôi luôn tự hào vì bản thân mình đã vượt qua nhiều khó khăn, biến cố để có thể đạt được ước mơ bình dị của đời mình - trở thành một thầy giáo.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Minh