Sáng sớm 29/7, giống như phiên sơ thẩm, các ngả đường dẫn vào TAND Hải Phòng đã được hàng trăm cảnh sát thắt chặt an ninh, phân luồng giao thông để ổn định trật tự.
Theo TAND Tối cao, phiên phúc thẩm sẽ xem xét đơn kháng cáo của ông Đoàn Văn Vươn cùng 5 bị cáo khác trong vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ. Cụ thể, bị cáo Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Sịnh xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vươn không đồng ý với tội danh như bản án sơ thẩm quy kết. Bị cáo Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) đề nghị hủy án sơ thẩm.
Phiên xử khai mạc muộn hơn 20 phút do chờ hai bị cáo tại ngoại là Báu và Thương. Hai bị cáo tới muộn này đi ủng đứng trước vành móng ngựa. Những ngày qua, Hải Phòng liên tục mưa do ảnh hưởng của bão.
HĐXX phúc thẩm gồm 3 thành viên do ông Nguyễn Quang Vinh, thẩm phán TAND Tối cao, làm chủ tọa. 6 luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo gồm: Trần Vũ Hải (Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải), Hà Huy Sơn (Công ty luật TNHH Hà Sơn), Nguyễn Hà Luân (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long), Vũ Văn Lợi (Công ty luật Hòa Lợi), Nguyễn Việt Hùng (Văn phòng luật Kinh Đô) và Đinh Xuân Nhật.
Luật sư Dương Văn Thành bảo vệ quyền lợi cho 3 bị hại. 4 bị hại, 4 nhân chứng cùng 3 giám định viên có mặt tại phiên xử.
Trước khi tòa bắt đầu phần thẩm vấn, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị triệu tập ông Lê Văn Hiền (cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Khanh (cựu phó chủ tịch huyện), Phạm Xuân Hoa (cựu trưởng phòng tài nguyên môi trường), Lưu Trọng Huân (trưởng đài phát thanh huyện Tiên Lãng), trung tá Lê Văn Nga (Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng) cùng gần 20 người đến tòa để giúp làm rõ vụ án.
Sau khi đại diện VKS bác đề nghị này với lý do "không cần thiết, vượt quá giới hạn tố tụng", HĐXX vào hội ý. Sau ít phút, chủ toạ thông báo không cần thiết triệu tập thêm những người này như đề nghị của luật sư.
Khoảng 9h30, HĐXX bắt đầu phần thẩm vấn bằng việc công bố bản án sơ thẩm. Theo đó, khi UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu ông Vươn ngừng sản xuất vì hết hợp đồng sử dụng, ông đã không chấp hành. Đầu tháng 1/2012, huyện tổ chức cưỡng chế. Ông Vươn cùng 5 bị cáo chuẩn bị lên kế hoạch chống đối. Họ bị cho là đã dựng hàng rào, 4 kíp mìn, một khẩu súng... Khi thấy tổ công tác đầu tiên tiến vào, bị cáo Quý cho chập mìn gây nổ nhưng may mắn không ai thương. Tiếp đó, ông Quý ở trong nhà bắn súng làm một số người bị thương...
Ngày 5/4, TAND Hải Phòng phạt bị cáo Vươn 5 năm tù; Quý 5 năm tù; Sịnh 3 năm 6 tháng tù; Vệ 2 năm tù về tội Giết người. Bị cáo Báu lĩnh 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng, bị cáo Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội Chống người thi hành công vụ. |
Là người đầu tiên trả lời HĐXX phúc thẩm, bị cáo Vươn cho biết khi nhận được thông báo cưỡng chế đã đề xuất kế hoạch chống đối bằng việc sử dụng 4 kíp mìn mang về từ thời còn trong quân ngũ và mua thêm dây điện, 150 viên hạt nổ... Theo kế hoạch, họ đặt 2 quả mìn ở lối đi vào nhà; ông Quý nổ súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế "trong trường hợp cuối cùng nếu như buộc phải chống lại”.
Tiếp đó, bị cáo Sịnh cho biết có nghe người trong gia đình nói đến kế hoạch chống đối nhưng không tham gia do "yếu và mắt kém". Ông Sịnh khai chỉ được nhờ làm hàng rào và phủ nhận lời khai trước đây tại cơ quan điều tra với lý do bị "ép cung, đánh đập". "Trước đây bị cáo nhận rất nhiều nhưng giờ thì không", bị cáo đang xin giảm nhẹ hình phạt khai tại phiên phúc thẩm.
Ông Sịnh không thừa nhận đã đưa 4,3 triệu cho ông Quý để mua súng, nói đó là "tiền cho vay để tiêu, sinh hoạt". Khi HĐXX công bố lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy ông Sịnh có tham gia góp tiền để mua súng, bị cáo này tiếp tục phủ nhận.
Phần thẩm vấn sáng nay, HĐXX tập trung vào đơn kháng cáo của gia đình ông Vươn. Trong số các bị cáo, riêng ông Sịnh giữ nguyên mong muốn được cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình.
Trong khi đó, trước khi vào nội dung kháng cáo của ông Quý, HĐXX thẩm vấn hành vi của bị cáo này. Theo lời khai tại toà, ông Quý thừa nhận việc chế tạo mìn, chôn mìn và làm đạn hoa cải từ thuốc nổ, đạn nổ. Trả lời các câu hỏi về quá trình từ khi bàn bạc kế hoạch đến khi thực hiện việc chống đối đoàn cưỡng chế, ông Quý cho rằng đã làm một loạt các công đoạn chuẩn bị mìn, lập hàng rào, bắn vào đoàn cưỡng chế.
Phần thẩm vấn trước ông Sịnh khai, sau khi gây án, bị cáo Quý có thông báo bắn vào tổ công tác và thấy có người bị thương. Song đến lượt thẩm vấn của mình, bị cáo này khẳng định chỉ biết nổ hai phát sung mà không biết có hay không người bị thương. “Sau khi nổ súng, bị cáo đã đốt giẻ tẩm xăng để gây khói, rồi xuống thuyền mang theo hai khẩu súng bỏ trốn”, bị cáo Quý khai. Bị cáo không thừa nhận lời khai của ông Sịnh.
Chủ toạ phiên toà hỏi suy nghĩ về việc làm của mình, ông Quý cho rằng không hiểu pháp luật. Khi gây án xong, tâm lý bình thường rồi mới biết khi bức xúc thì không làm chủ được bản thân. “Việc làm của bị cáo cũng có nguy hiểm, bị cáo mong HĐXX minh xét, vì bị cáo thấy có áy náy về hành vi của mình”, Quý nói.
Sau khi đưa ra một loạt các câu thẩm vấn, chủ toạ “chốt” lại việc trước đó bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng lại thay đổi nội dung chống án trước toà. Bị cáo Quý cho rằng, bản thân làm đơn để đổi tội danh chứ không xin giảm nhẹ hình phạt. “Tại phiên toà hôm nay, bị cáo mong HĐXX xem xét về tội danh của bị cáo chỉ là để bảo vệ chính đáng”, Quý trình bày.
Cùng giống với hai người cậu của mình là Quý và Vươn, bị cáo Vệ trình bày “lạc” câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo xin đính chính lại việc gửi đơn kháng cáo”. Theo lời bị cáo này, khi nghe ông Quý nhờ mua súng đã đồng ý nhưng cho rằng không biết mục đích các cậu dùng để chống đối đoàn cưỡng chế. Vệ cho rằng, cậu Thoại (người đang bỏ trốn) mới là người đưa tiền để mua súng chứ không phải Quý đưa. Sau khi biết việc gia đình bên ngoại sẽ có cuộc chống đối, Vệ bảo đã tự “tách mình” ra khỏi kế hoạch đó.
Bị cáo trình bày, khi Quý hỏi về việc mua s úng, mặc dù đã mua được nhưng Vệ đã lần lữa, hẹn tối mới có. Sau đó, anh ta đã tự động mang tiền trả cho Thoại. “Trước đó, cậu Quý có đưa tút súng để làm mẫu mua đúng loại nhưng bị cáo đã tự tách mình ra khỏi các cậu”, Quý trình bày.
Tại phiên phúc thẩm, trình bày tiếp về việc “đính chính” đơn kháng cáo, Vệ cho rằng, bản chất của nội dung đơn là xem xét lại tội danh bị truy tố. “Bị cáo kêu oan về tội danh giết người”, Vệ nói. Việc trình bày của Vệ cũng để trả lời câu hỏi của HĐXX: “Nội dung trực tiếp của đơn có phải kháng cáo về mức án 2 năm tù tội danh Giết người quá nặng hay không?”.
Trong khi đó, trình bày trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo Báu giữ nguyên đơn kháng cáo.
14h chiều nay phiên xử tiếp tục.
Việt Dũng