Trả lời
Theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự thì trả nợ là nghĩa vụ của bên vay. Trong trường hợp người vay không trả được nợ cho người cho vay thì tùy từng trường hợp, người vay có thể bị người cho vay khởi kiện ra Tòa dân sự để đòi nợ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.
Nếu giấy vay chỉ thể hiện nội dung là vay tiền, không có chứng cứ để coi số tiền nợ là tiền thua lô đề và anh không có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” thì việc anh không trả được số tiền nợ chỉ có thể được giải quyết tại Tòa dân sự.
Tuy nhiên, do lô đề là một hình thức cờ bạc, nên trong trường hợp cơ quan điều tra có chứng cứ chứng minh số tiền nợ là tiền thua lô đề thì cả người ký giấy vay và người cho vay đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự về "tội đánh bạc".
Theo điều luật này, người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 249 của Bộ luật này (về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ2 năm đến 7 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Tóm lại, do cờ bạc bị coi là hành vi phạm tội; mục đích và nội dung của giao dịch này đã “vi phạm điều cấm của pháp luật” nên theo quy định của Bộ luật Dân sự, mọi nghĩa vụ phát sinh từ hành vi cờ bạc đều bị coi là vô hiệu.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn