Với chủ đề phòng chống dịch viêm màng não, rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi về chương trình. Trong đó, nhiều người thắc mắc về những biến chứng của bệnh, cách phòng chống hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Cục Y Tế Dự Phòng, Viêm màng não do rất nhiều tác nhân gây ra, gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Việc sử dụng vắcxin làm cho cơ thể tự tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, người dân cần có ý thức tham gia tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh. Viêm màng não do nấm là một thể bệnh rất hiếm gặp, thường chỉ xảy ra trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng (do HIV, các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, người bệnh dùng hóa chất diệt tế bào).
Mẹ bị viêm âm đạo trong giai đoạn chu sinh (gần thời gian đẻ) thì dễ lây bệnh cho con, vì lúc sinh trẻ sẽ phải đi qua đường âm đạo nếu mẹ đẻ thường. Những trẻ này có thể bị các dạng nhiễm trùng sơ sinh sớm, trong đó có thể bị viêm màng não mủ.
Vì vậy, các bà mẹ trong thời kỳ mang thai cần phải theo dõi thai sản thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ. Nếu có viêm âm đạo thì phải điều trị kịp thời.
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng (trái) và Giáo sư Phạm Nhật An tại buổi tư vấn trực tuyến.
- Thưa bác sĩ, nếu tiêm vắc xin thì tỷ lệ ngừa bệnh là bao nhiêu? Trẻ ở độ tuổi nào thường dễ mắc phải (Mai Hoa, 35 tuổi, TP Bắc Ninh)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Cục Y Tế Dự Phòng:
Viêm màng não do rất nhiều tác nhân gây ra, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc. Việc sử dụng vắc xin làm cho cơ thể tự tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Tỷ lệ phòng ngừa bệnh thường đạt tỷ lệ rất cao nhưng phụ thuộc vào việc có tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm cần thiết hay chưa. Vì vậy mọi người dân cần tham gia tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi tiêm theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng trả lời câu hỏi.
- Thưa chuyên gia, có trường hợp nào tiêm phòng rồi những vẫn mắc bệnh viêm màng não không? Vì sao? (Mai Giang, 38 tuổi, Cần Thơ)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Viêm màng não do nhiều tác nhân gây bệnh, khi tiêm vắc xin chỉ tạo miễn dịch để bảo vệ cơ thể không bị mắc loại bệnh mà vắc xin có thể phòng bệnh. Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp không tạo miễn dịch đủ để phòng bệnh, hoặc khi chưa tiêm đủ các mũi tiêm cần thiết để phòng bệnh. Vì vậy cần thực hiện tiêm đủ các loại vắc xin, để phòng được nhiều bệnh thường gặp nhất.
- Vừa qua tôi có đọc báo thấy trường hợp em bé bị viêm màng não do nhiễm khuẩn từ máy hút sữa. Vậy làm thế nào để phòng tránh được những tình huống như vậy? Làm sao để đảm bảo vệ sinh khi hút sữa cho trẻ? (Trịnh Phong, 30 tuổi, Hà Giang)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Để phòng tránh các tác nhân gây bệnh nên đảm bảo vệ sinh khi hút sữa. Cụ thể, bạn cần vệ sinh kỹ lưỡng máy hút sau khi dùng, sử dụng khăn sạch lau chùi và phơi khô các bộ phận máy, tráng lại máy hút bằng nước đun sôi, cất giữ ở nơi thông thoáng để tránh bị nhiễm bẩn, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi hút, cất sữa vào ngăn lạnh ngay sau khi hút nếu chưa dùng đến.
- Cháu tôi một tuổi bị viêm màng não nhưng đã chữa khỏi. Hiện tại chưa thấy có di chứng gì, nhưng không biết lớn lên thế nào? Liệu cháu sẽ thua kém với các bạn trong học hành hay không. Thực tế các cháu từng bị viêm màng não đã chữa khỏi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai các cháu, thưa bác sĩ?. (Châu Vũ, 36 tuổi)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City):
Chào bạn!
Thực tế các cháu đã bị viêm màng não đã được chữa khỏi thì sẽ thuộc 2 nhóm:
- Khỏi hoàn toàn, không có di chứng gì, những trẻ này sẽ phát triển trí tuệ, sức khỏe bình thường.
- Trường hợp 2: khỏi nhưng để lại di chứng, ví dụ như: hạn chế về vận động (liệt, cứng cơ...), sẽ chậm phát triển về trí tuệ... Điều này dễ nhận thấy. Nhưng, còn di chứng làm giảm thính lực thì cần phải khám chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời.
Cháu nhà bạn nhiều khả năng sẽ nằm ở trường hợp khỏi hoàn toàn, nếu có thể gia đình nên đưa cháu đi kiểm tra thính lực.
- Trẻ 4 tuổi tiêm phòng viêm màng não có được ko ạ? (Lan, 30 tuổi, Hà Nội)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Trẻ 4 tuổi vẫn trong độ tuổi khuyến cáo tiêm vắc xin phòng một số tác nhân có thể gây viêm màng não. Vì vậy cần đưa trẻ và mang theo sổ tiêm chủng đến cơ sở tiêm chủng để được rà soát các loại vắc xin đã tiêm và tư vấn tiêm bổ sung các loại vắc xin cần thiết để phòng bệnh.
- Tôi thấy nhiều mẹ bỉm sữa phản ứng rất mạnh với những ai vô tình hôn hít con của họ, vì họ cho rằng nụ hôn làm lây lan rất nhiều bệnh, cũng có em bé bị viêm màng não do nhiễm vi khuẩn herpes từ người lớn. Các mẹ phản ứng có đúng không? Điều này có cơ sở khoa học không, thưa bác sĩ? (Hoài Thu, 34 tuổi, Hà Giang)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An :
Đúng như vậy, có những bệnh dễ dàng lây truyền qua con đường hôn hít - virus Herpes là một trong những tác nhân có thể lây truyền qua con đường này, có thể gây nên nhiều thể bệnh, nặng nhất là viêm não do Herpes (mặc dù hiếm gặp). Với những cháu bé thì khả năng lây bệnh qua con đường này càng dễ hơn. Vì vậy, người lớn hạn chế hôn trẻ.

Giáo sư Phạm Nhật An tại chương trình.
- Tôi nghe nói mùa đông xuân là dịp dễ bùng phát viêm màng não? Tại sao lại như vậy? Bệnh có dễ lây hay không? (Trịnh Phong, 24 tuổi, Kiên Giang)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Mùa đông xuân, độ ẩm không khí cao trong mùa, nhiệt độ giảm, là điều kiện để các bệnh truyền nhiễm hô hấp trong đó có các bệnh gây viêm màng não. Bệnh thường rất dễ lây lan, lây mạnh trong những mùa này. Các tác nhân gây bệnh này thường lây truyền qua đường hô hấp,chủ yếu qua việc tiếp xúc với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn, nhưng cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như ly, tách, điện thoại ...
- Viêm màng não sẽ để lại di chứng gì nếu mắc bệnh? (Phương Nha, 30 tuổi, Lãn Ông, Hải Phòng)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Bệnh viêm màng não có thể để lại nhiều di chứng tùy thuộc căn nguyên gây bệnh và việc phát hiện điều trị sớm hay muộn.
Các di chứng có thể gặp:
- Di chứng về vận động (liệt, co cứng, động kinh...)
- Gây tình trạng ứ nước não thất (não úng thủy)
- Chậm phát triển về trí tuệ, tinh thần...
- Di chứng hay gặp nhất là giảm thính lực, thậm chí điếc.
- Thưa bác sỹ, những thuốc vắc xin ngừa bệnh viêm màng não ở Việt Nam hiện có những chủng nào? Các loại vắc xin này có nằm trong chương trình tiêm chủng miễn phí mở rộng hay không? (Lương Thanh Hoa, 30 tuổi, Quảng Trị)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Hiện nay Chương trình tiêm chủng phổ cập miễn phí các loại vắc xin được tiêm cho trẻ em trong toàn quốc là: vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, Hib. Để phòng bệnh do não mô cầu cần đưa trẻ đi tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng.
- Làm thế nào để phòng được bệnh viên màng nào thưa các bác sĩ? (Ngọc, 39 tuổi, TP HCM)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Luôn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ và thông thoáng.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc chỗ đông người, nhất là với người mắc bệnh về hô hấp.
Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
Khi nghi ngờ mắc bệnh (sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ ...), cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
- Thưa bác sĩ, khoảng 3 tuần gần đây, em bị chứng nhức đầu, kèm theo nôn, ói, và một bên mắt không nhìn thấy đường, giống như có bóng mờ che tầm mắt. Tôi lên mạng đọc thông tin thì thấy giống như u não, viêm màng não. Xin bác sĩ tư vấn giúp em đây là dấu hiệu của bệnh gì? (Nguyễn Thị Tân, 26 tuổi, TP HCM)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An :
Các triệu chứng này có thể là biểu hiện của nhiều bệnh, trong đó, có 2 loại bệnh cần chú ý.
Trường hợp thứ nhất: Có thể đây là chứng đau nửa đầu, rối loạn tuần hoàn não một bên, thường gặp với những người cao tuổi, có rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
Trường hợp thứ hai: Có thể bạn bị một hội chứng choán chỗ một bên bán cầu não (u hoặc xuất huyết...)
Bạn cần đến khám chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến.
- Môi trường sống và chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến bệnh này thưa chuyên gia? (Tâm Tâm, 40 tuổi, Vinh, Nghệ An)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, vệ sinh kém làm tăng khả năng lây truyền bệnh. Chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất sẽ hỗ trợ tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tại sao bệnh viêm màng não lại dễ lây lan? (Trường Thành, 41 tuổi, Yên Bái, Hà Nội)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Các tác nhân gây bệnh viêm màng não thường gặp chủ yếu lây qua đường hô hấp, bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết hô hấp hoặc cổ họng - nước bọt, đờm, chất nhầy mũi của người bị bệnh (như hôn trẻ em, sử dụng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân như cốc, bát đĩa,...). Các hạt nước bọt khi trẻ bị ho hoặc hắt hơi, có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường cho vào miệng ...
-Mẹ viêm âm đạo, con có thể bị viêm màng não mủ? Điều này có đúng không bác sĩ? Vì sao? (Hoàng Thi Thy, Hà Nội)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An :
Mẹ bị viêm âm đạo trong giai đoạn chu sinh (giai đoạn gần thời gian đẻ) thì dễ lây bệnh cho con, vì lúc sinh trẻ sẽ phải đi qua đường âm đạo nếu mẹ đẻ thường. Những trẻ này có thể bị các dạng nhiễm trùng sơ sinh sớm, trong đó có thể bị viêm màng mủ.
Vì vậy, các bà mẹ trong thời kỳ mang thai cần phải được theo dõi thai sản thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ. Nếu có viêm âm đạo thì phải điều trị kịp thời, triệt để.

Giáo sư Phạm Nhật An.
- Tại sao viêm màng não phế cầu không có trong các mũi tiêm cơ bản, mà thường được tư vấn mua thêm? (Quang, 34 tuổi, Trung Văn, Hà Nội)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Mỗi năm, hàng triệu liều vắc xin được tiêm cho trẻ nhỏ trên cả nước, giúp hàng triệu trẻ được bảo vệ trước các bệnh nguy hiểm thường gặp. Hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí các loại vắc xin được tiêm cho trẻ em trong toàn quốc là: vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, Hib ... Với các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao được ưu tiên thêm một số loại vắc xin như tả, thương hàn. Theo từng giai đoạn, đã có các loại vắc xin được bổ sung thêm vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó vẫn còn một số căn bệnh nguy hiểm cần tiêm vắc xin phòng bệnh, được khuyến cáo tiêm bổ sung tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trong đó có vắc xin phế cầu.
- Tôi muốn hỏi có mấy loại viêm màng não? Trẻ em từ bao tháng có thể tiêm? (Hải My, 30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội.)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng:
Viêm màng não do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, lịch tiêm chủng của các loại vắc xin là khác nhau, trong đó có loại vắc xin được tiêm từ khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Vì vậy cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm các loại vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng.
- Thưa chuyên gia, với bệnh viêm màng não, cần phát hiện sớm trước bao lâu để chữa trị kịp thời? Những trường hợp phát hiện sớm và được điều trị ngay thì có khả năng là chữa khỏi hẳn hay có thể bị tái phát không? (Mây Phạm, 29 tuổi, Ba Đình)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Với bệnh viêm màng não cấp việc phát hiện sớm có ý nghĩa tiên lượng quan trọng vì nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong và di chứng sẽ rất thấp, hầu hết khỏi hoàn toàn.
Thông thường, bệnh được coi là chẩn đoán sớm nếu xác định bệnh và điều trị trong vòng 24h đầu (tiêu chuẩn của Hội Nhi khoa Mỹ). Những trường hợp chẩn đoán được sau 48 đến 72h thì được coi là chẩn đoán muộn (tỷ lệ tử vong và di chứng sẽ cao hơn nhiều).
Những trường hợp bị viêm màng não có các lý do đặc biệt, ví dụ như dị tật hệ thống não màng não (như thoát vị màng não thủy, sau phẫu thuật sọ não...), sau chấn thương sọ não gây tổn thương nền sọ, bệnh lý tai mạn tính (viêm tai giữa mạn tính), người suy giảm miễn dịch... thì mới thường gặp viêm màng não tái phát. Những trường hợp này thì cần điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa.
- Cách điều trị viêm màng não như thế nào? (Nguyễn Trung DŨng, 56 tuổi, Hải Dương)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An :
Tùy theo căn nguyên, biến chứng và các thể bệnh, điều trị viêm màng não sẽ cách áp dụng điều trị khác nhau. Ví dụ bệnh do các căn nguyên vi khuẩn khác nhau thì sẽ bác sĩ sẽ lựa chọn các kháng sinh điều trị khác nhau...
Nguyên tắc chung sẽ là điều trị tích cực tại các cơ sở chuyên khoa, điều trị đặc hiệu và kết hợp với điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ.

Giáo sư, bác sĩ Phạm Nhật An trả lời độc giả.
- Triệu chứng của viêm màng não là gì? (Khánh Vy, 40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội.)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Triệu chứng chung của viêm màng não là sốt, các dấu hiệu màng não (hội chứng màng não), biểu hiện thần kinh bất thường khác và có thể gặp các triệu chứng đặc trưng theo từng căn nguyên.
Hội chứng màng não có biểu hiện khác nhau tùy theo các lứa tuổi.
- Trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ thì biểu hiện của hội chứng màng não chủ yếu là bỏ bú, quấy khóc hoặc li bì, thóp phồng, nôn trớ...
- Trẻ lớn thường đau đầu, nôn vọt, có dấu hiệu cổ cứng...
- Người lớn có thể có những triệu chứng như trẻ lớn, thường có thêm dấu hiệu táo bón hoặc mất ngủ, mê sảng...
Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu màng não nhiều trường hợp rất khó phát hiện, vì vậy khi nghi ngờ cần đưa trẻ đến khám ngay.
- Viêm màng não nấm là gì? Bệnh có biểu hiện, hệ lụy như thế nào nếu không được chữa trị kịp thời? Lứa tuổi thường mắc? (Hoàng Ngọc Thủy, 35 tuổi, Thái Bình)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Viêm màng não do nấm là một thể bệnh rất hiếm gặp, thường chỉ xảy ra trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng (do HIV, các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh nhân dùng hóa chất diệt tế bào) và đôi khi do lạm dụng kháng sinh và corticoides.
Bệnh có biểu hiện giống các loại viêm màng não khác nhưng xảy ra trên các cơ địa đặc biệt đã kể trên, không phụ thuộc lứa tuổi. Việc xác định chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm tìm được nấu trong dịch não tủy.
Đây là một dạng viêm màng não nặng, điều trị kết hợp kháng sinh chống nấm với các phương pháp điều trị bệnh nền.
- Loại viêm màng não là bệnh nguy hiểm nhất? Vì sao thưa bác sĩ? (Nguyễn Văn Ngọc, 30 tuổi, Hà Nội)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Các bệnh viêm màng não đều là bệnh nguy hiểm, trong đó viêm màng não do não mô cầu dễ gây thành dịch, có những thể bệnh kịch phát rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Viêm màng não do phế cầu thường để lại những di chứng nặng nề. Các viêm màng não do virus gây nên thường ít để lại di chứng.

Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An trả lời câu hỏi.
- Tôi từng chứng kiến trường hợp trẻ viêm mãng não nhưng bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng huyết. Hai bệnh này giống và khác nhau như thế nào?(Nguyễn Văn Tú, 36 tuổi, Hà Nội)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Trong một số trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn huyết và theo đường máu thì vi khuẩn cũng sẽ xâm nhập vào màng não và gây nên viêm màng não. Ví dụ, não mô cầu thường gây viêm màng não đồng thời có các biểu hiện của nhiễm khuẩn huyết với các ban xuất huyết hoại tử hình sao xuất hiện nhiều nơi, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, cấy máu và dịch não tủy đều dương tính.
Các vi khuẩn khác cũng có thể xảy ra các tình trạng tương tự, vì đường xâm nhập của vi khuẩn vào màng não phổ biến nhất là theo đường máu.
- Xin hỏi bác sĩ Đăng, tại sao bây giờ dịch bệnh ngày càng nhiều vậy thưa các bác sĩ. Nhiều dịch lâu năm không xuất hiện nay cũng quay lại. Trong khi chắc chắn bây giờ số lượng trẻ tiêm phòng nhiều hơn trước đây. Vậy nguyên nhân là do đâu? (Vũ Hoàng35, 35 tuổi, Nghệ An)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng :
Trên thế giới và khu vực, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm như dịch bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng ... chưa khống chế được triệt để. Một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bại liệt, sởi.
Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Việt Nam như tay chân miệng, sởi, viêm não vi rút, tuy đã được kiểm soát và có số mắc giảm so với giai đoạn trước tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát.
Nhiều bệnh dịch không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc xin dự phòng như tay chân miệng, sốt xuất huyết...
Cùng với sự biến đổi khí hậu, biến động cao về dân cư, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, hậu quả của thiên tai, lụt bão. Mặt khác là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư chưa được tốt
Bên cạnh đó vẫn có những nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao tại khu vực vùng sâ,vùng xa, khu vực di biến động về dân cư cao ... từ đó tích lũy nhiều trường hợp không được tiêm chủng qua nhiều năm tạo ra nguy cơ bùng phát dịch.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng từ Bộ Y tế trả lời câu hỏi của độc giả.
- Xin bác sĩ cho hỏi, viêm màng não phế cầu khác với các bệnh viêm màng não khác như thế nào? Biểu hiện khi mắc viêm màng não phế cầu như thế nào?(Hải My, 30 tuổi, Minh Khai, Hà Nội)
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An:
Viêm màng não do phế cầu là một trường hợp viêm màng não do phế cầu khuẩn gây nên. Hiện nay, phế cầu là nguyên nhân gây viêm màng não hay gặp nhất ở trẻ em Việt Nam.
Viêm màng não do phế cầu có tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn do các căn nguyên thường gặp khác. Những trường hợp bệnh viêm màng não tái phát nhiều đợt thì nguyên nhân chủ yếu cũng là do phế cầu.
- Về lâm sàng, mặc dù có một vài khác biệt nhỏ nhưng không thể phân biệt với các viêm màng não do căn nguyên khác (nếu trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ vắcxin phế cầu thì ít có khả năng mắc viêm màng não do phế cầu). Làm cách nào để phòng ngừa viêm màng não? (Hải Triều, 25 tuổi, Ninh Thuận)
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Các bệnh viêm màng não chủ yếu lây qua đường hô hấp, rất dễ lây lan đặc biệt là ở trẻ em. Để phòng tránh bệnh viêm màng não nên đưa trẻ tiêm phòng đầy đủ, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và môi trường. Khi mắc, người bệnh cần được cách ly và chữa trị kịp thời.
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và theo dõi, chúc qúy độc giả nhiều sức khỏe dịp năm mới.
VnExpress