Ngoài ra, nội dung quảng cáo phải chính xác, đúng với công dụng và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, theo văn bản của Sở Công Thương gửi các đơn vị, ngày 15/11. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Những điều này nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp chủ động rà soát, ngăn các hành vi lợi dụng quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, đặc biệt là qua các cá nhân có ảnh hưởng để quảng bá sai lệch. Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải đảm bảo nhân viên, cộng tác viên không truyền đạt sai về công dụng sản phẩm. Không tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm dưới hình thức thăm khám chữa bệnh.
Sàn thương mại điện tử thiết lập quy trình kiểm duyệt nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trước khi đăng, chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm được đăng báo. Trường hợp phát hiện vi phạm, sàn phải xử lý nghiêm, thông báo cơ quan quản lý nhà nước.
Vi phạm quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung đã được phê duyệt sẽ bị xử lý nghiêm. Cơ sở vi phạm sẽ bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và cảnh giác.
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng, tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái kém chất lượng, kiểm soát mua bán xách tay được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại phiên chiều 11/11. Bộ trưởng cho biết đã yêu cầu cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào quảng cáo thực phẩm chức năng để đảm bảo uy tín của ngành; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động bán hàng online.
Lê Phương