"Không thiếu người tâm huyết, chỉ cần chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nói khi phát biểu tại Quốc hội, chiều 31/5.
Nữ đại biểu nêu thực trạng lương sinh viên mới ra trường chưa được 3,5 triệu đồng và lương trung bình một công chức khoảng 10 triệu. Chưa so sánh với các nước phát triển, con số này vẫn cách khá xa so với các quốc gia Đông Nam Á, đơn cử Thái Lan 56,7 triệu đồng, Malaysia 29 triệu và Campuchia là 17 triệu.
Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đề ra lộ trình rất cụ thể, nhưng thực tế đã ba năm lỡ hẹn do Chính phủ phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đồng ý với chủ trương này, song bà băn khoăn lý do sau hơn hai năm, chương trình phục hồi vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng vốn chưa phân bổ; 29.000 tỷ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.
"Trong lúc thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực vẫn chưa phát huy hiệu quả, đó là điều đáng tiếc", bà nói.
Nữ đại biểu TP Hà Nội cho biết cử tri quan tâm sắp tới cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu và "họ cần sự thay đổi thực chất chứ không chỉ mang tính hình thức". Với đề xuất tăng 21-22%, từ mức lương 10 triệu đồng, công chức cũng chỉ được tăng hơn 2 triệu. Trong khi đó, Nghị quyết 27 đề ra mục tiêu tiền lương phải là nguồn thu nhập chủ yếu, chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.
Mức tăng như trên, theo bà Mai, là rào cản trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực và là rào cản đối với bước tiến của xã hội, nhất là khi cuộc chiến thu hút nhân tài sẽ diễn ra khốc liệt trong bối cảnh nhiều nước đối mặt bài toán già hóa dân số; chuyển hướng sang lao động nhập cư để làm chìa khóa cho tăng trưởng. "Nếu không có chính sách hợp lý, ta có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc đua thu hút nhân lực chất lượng cao", bà Mai lo lắng.
Nữ đại biểu kiến nghị thực hiện nghiêm Nghị quyết 27, hàng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung ương để cải cách tiền lương. Đồng thời, các cơ quan phải tuân thủ trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu, ưu tiên chính sách tiền lương trước khi xem xét dự án đầu tư.
Cũng quan tâm đến vấn đề tiền lương, chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nói ngoài đầu tư trang bị cho quân đội cần hỗ trợ thu nhập, nâng lương để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ. "Lương của sĩ quan chuyên lái xe tăng hiện chưa bằng một nửa lái xe Grab mỗi tháng, như vậy rất thiệt thòi", đại biểu An nói.
Giải trình, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Việt Nam đã trải qua bốn lần cải cách tiền lương, năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này phải lùi. Tại kỳ họp tháng 11/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Sơn Hà - Viết Tuân