Không thi vẫn đậu đại học
Ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, kỳ thi Đại học luôn được xem là sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Điểm thi hay tên tuổi ngôi trường thậm chí trở thành thước đo để dư luận đánh giá năng lực của mỗi thí sinh dự tuyển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng một đề thi cho tất cả các thí sinh sẽ không thể kiểm tra đúng năng lực và kỹ năng thực sự của mỗi thí sinh. Việc thi chung cũng không giải quyết bài toán tuyển sinh riêng cho từng ngành và chưa đủ thuyết phục khi áp dụng vào thực tế ngành học.
Nhằm giảm áp lực và đánh giá đúng hơn về khả năng của từng thí sinh, thay vì tổ chức thi cử, Đại học trực tuyến FUNiX chọn cách phỏng vấn trực tiếp mỗi thí sinh khi tuyển sinh. Thay vì phải căng thẳng ngồi hàng giờ trong phòng thi, thí sinh sẽ được thoải mái trò chuyện, nói về những khả năng, kể cả nhược điểm của bản thân với các chuyên gia để được tư vấn cụ thể.
Thay vì căng thẳng ngồi hàng giờ trong phòng thi làm bài, thí sinh được các chuyên gia phỏng vấn trực tiếp trong không khí vui vẻ, thoải mái. |
Để tham gia ứng tuyển, các ứng viên chỉ việc gửi đơn xin học online và CV giới thiệu bản thân. Sau quá trình sàng lọc đơn, FUNiX sẽ sắp xếp buổi phỏng vấn giữa các ứng viên và mentor - là các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Các mentors sẽ phỏng vấn ứng viên về nguyện vọng, dự định cá nhân và phân tích bối cảnh nghề nghiệp của mỗi người để từ đó giải đáp xem chương trình học có đáp ứng mong muốn của ứng viên hay không.
Bên cạnh những nội dung về chương trình học, phỏng vấn trở thành buổi tư vấn khi ứng viên có thể chia sẻ thẳng thắn những khúc mắc và câu chuyện cuộc sống khi quyết định tham gia ứng tuyển. Đối với học sinh hay những người “ngoại đạo” mới bắt đầu, mentors sẽ truyền cảm hứng giúp họ có thêm quyết tâm theo đuổi đam mê. Ngược lại, những cá nhân không có động lực rõ ràng, thái độ không thực sự cầu thị, chưa sẵn sàng thì mentors sẽ gợi ý lựa chọn khác phù hợp hơn để không lãng phí thời gian của hai bên.
Thí sinh được mời làm mentor khi phỏng vấn
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Trung Lợi. Dù chưa từng vào Đại học nhưng anh Lợi dành 4 năm tự học lập trình, sau đó làm việc độc lập cho các dự án ở nước ngoài.
Khi nhận được lời mời làm việc của các công ty công nghệ lớn ở Đức và Nhật Bản, anh gặp khó khăn trong việc xin visa làm việc dài hạn tại nước ngoài vì không có bằng đại học. Để vượt qua yêu cầu này, anh Lợi quyết định học online để vừa lấy bằng, đồng thời học chuyên sâu và hệ thống lại kiến thức.
Tuy nhiên, khi tham gia phỏng vấn, nhận thấy ứng viên quá xuất sắc, ngoài việc đặc cách cho ứng viên vào học, người phỏng vấn anh Lợi đã đề nghị "thí sinh" của mình tham gia vào đội ngũ mentor của FUNiX.
Được tuyển dụng trong buổi phỏng vấn xin học
Cũng có có những buổi phỏng vấn tình cờ trở thành buổi tuyển dụng thành công. Nhiều mentor gặp được nhân sự phù hợp ngay trong quá trình phỏng vấn. Đó là trường hợp của chị Minh Thu, khi du học sinh ở Nhật về với mong muốn học Công nghệ thông tin để trở thành kỹ sư cầu nối. Sau buổi phỏng vấn, chị được chính mentor đề nghị vào công ty của anh để làm việc với các đối tác Nhật Bản.
Anh Phan Anh, 30 tuổi, một tiếp viên hàng không sắp qua độ tuổi phục vụ trong ngành. Có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, Phan Anh quyết định đi học đại học để tìm cơ hội mới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, là dân "ngoại đạo", Phan Anh tỏ ra rất tự ti về khả năng của mình. Đến lúc được tiếp xúc trực tiếp với mentor Nguyễn Thành Lâm - nguyên tổng giám đốc FPT Software, nam tiếp viên mới có thêm động lực.
"Chính câu nói 'Công nghệ thông tin thực ra không quá khó và mơ hồ như nhiều người vẫn nghĩ. Những người chưa biết gì về lĩnh vực này vẫn hoàn toàn có thể tự học được miễn là chăm chỉ' đã giúp tôi vượt qua trở ngại của bản thân để theo học", Phan Anh chia sẻ.
Thu Ngân