"Không nên đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa; không nên nghĩ rằng đầu tư vào văn hóa là không lợi nhuận", đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, nói tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, chiều 31/10.
Ông Phương đánh giá đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, song sự phát triển chung chưa thực sự hài hòa. Văn hóa phát triển chậm, chưa tương xứng so với kinh tế, chưa tác động hiệu quả đến xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam.
"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay", đại biểu Phương nói, cho rằng văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế để khơi thông sức mạnh, phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác.
Theo đại biểu tỉnh Tây Ninh, môi trường văn hóa, thuần phong, mỹ tục đang bị xâm hại đáng báo động. Một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức. Mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm.
Đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) cũng lo ngại trước sự ứng xử thiếu chuẩn mực đạo đức của một bộ phận người dân. Các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng đang diễn ra ngày càng nhiều. "Vì vậy, cần sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam", ông Tám đề nghị.
Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho biết chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa năm 2016 đề ra mục tiêu phấn đấu tổng giá trị doanh thu nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 là 20 triệu USD, đến 2030 là 31 triệu USD. "Với hai đêm diễn của Black Pink đã thu 13 triệu USD, là non nửa con số chúng ta phấn đấu đến 2030. Điều này rất đáng suy nghĩ", ông Nghĩa nói.
Theo ông, Việt Nam có 100 triệu dân, tỷ lệ dân số trẻ, dư địa phát triển công nghiệp văn hóa rất lớn. Tuy nhiên khi khảo sát, Ủy ban Văn hóa Giáo dục nhận ra nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều tồn tại. Nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát. Hầu hết đoàn biểu diễn ở Trung ương thiếu biên chế, nhưng có nghệ sĩ hành nghề 10 năm vẫn không được vào biên chế. Các trường nghệ thuật ít thí sinh, nghệ thuật truyền thống thì không được thế hệ trẻ đón nhận.
"Muốn có tác phẩm xứng tầm cần có chính sách xứng tầm, tạo dư địa cho các nghệ sĩ sáng tạo", ông Nghĩa nhấn mạnh.