From: van nguyen
Sent: Monday, October 13, 2008 9:31 AM
Subject: De tai dan ong VN
Thưa các bạn,
Mặc dù rất bận rộn và chỉ thỉnh thoảng mới bớt chút thời gian để lướt qua mục Tâm sự, nhưng tôi vẫn thấy đề tài của chị Trúc Quỳnh thật hào hứng và tôi không thể không bớt chút thời gian để tham gia một chút tiếng nói của mình vào diễn đàn này.
Tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu vì mọi phạm trù, mọi hiện tượng chỉ là tương đối và những nhận định của tôi có lẽ cũng chỉ đúng ở một khía cạnh nào đó mà thôi. Ở đâu cũng có người thế này, người thế kia, đàn ông hay đàn bà thì cũng có người thế này người thế kia.
Khi tính cách con người vốn dĩ nó đã vô cùng khó thay đổi, mà lại được sinh ra từ một nền văn hóa có truyền thống lâu đời bao dung và nuôi dưỡng cho những tính cách ấy thì không dễ gì mà chỉ một vài bài viết phê phán và kêu gọi những người đàn ông Việt thay đổi tính cách của họ là họ vui vẻ thừa nhận mà thay đổi.
Đọc các bài phản hồi của các bạn nam thì các bạn càng thấy rõ điều đó. Họ chỉ có thể thay đổi khi sống trong một môi trường, trong một điều kiện mà họ không có sự lựa chọn nào khác là phải thay đổi thì mới thích nghi được cuộc sống ở đó mà thôi. Ví dụ như anh Loyd Trần chẳng hạn, anh tự nhận vốn dĩ là người gia trưởng, và nếu anh ấy vẫn sống ở Việt Nam thì chắc chắn rằng anh bây giờ cũng vẫn là một mẫu người đàn ông Việt Nam điển hình, chứ đã chắc gì có một tư tưởng và một bài viết ủng hộ chị Trúc Quỳnh như vậy.
Chắc sẽ có người hỏi vặn lại tôi rằng tại sao có người đàn ông cũng đi du học nước ngoài, mà sao vẫn gia trưởng, vẫn đánh đập vợ. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, những người đàn ông như vậy vốn là những người rất gia trưởng, khi ra nước ngoài học anh ta thường chỉ chú tâm đến công việc học tập, chỉ loanh quanh sống và sinh hoạt trong một môi trường hẹp của những người bạn Việt Nam cùng đi du học, sau đó cũng yêu một người bạn gái Việt Nam và cũng lại được người bạn gái Việt Nam chiều chuộng, chăm sóc và hy sinh như ở Việt Nam. Thế là anh ta chẳng cần quan tâm gì mấy tới một xã hội mới xung quanh anh ta.
Bởi vậy sẽ chỉ là vô ích khi các chị viết những bài báo kêu gọi họ thay đổi những tính cách mà họ cho rằng “không thế thì không phải là đàn ông”. Dù sao những bài viết của các chị cũng sẽ làm cho nhiều người phụ nữ phải suy nghĩ nhiều hơn khi có một số quyết định trong cuộc sống gia đình, cam chịu hay là không. Thực ra không phải đa số người phụ nữ Việt Nam chỉ biết sống cam chịu, mà do họ cũng phải suy nghĩ rất nhiều về những cái được và cái mất khi họ cam chịu một người chồng như vậy.
Đành rằng có nhiều người quá nhu nhược mà chính phụ nữ chúng ta nhìn vào cũng thấy bực mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được như chị Trúc Quỳnh. Chị may mắn có được cả sắc đẹp và trí thông minh (đương nhiên trí thông minh không phải ai cũng có gen thông minh hay là do trời cho mà phải qua quá trình rèn luyện, học tập), chị có cơ hội được đến đất nước Đan Mạch và gặp người đàn ông tuyệt vời của chị.
Như tôi biết thì nhiều đàn ông phương Tây không coi trọng gia đình lắm, bởi thế mà có rất nhiều cặp chỉ sống chung với nhau như vợ chồng chứ không kết hôn, để không phụ thuộc vào nhau nhiều trong quá trình sống chung và cũng là để dễ dàng chia tay nhau nếu sau này họ không muốn sống với nhau nữa. Đương nhiên là sự lựa chọn này thường là từ hai phía. Hơn nữa khi người ta yêu thì vô cùng chiều phụ nữ, nhưng khi họ đã gặp một người con gái khác mà họ yêu hơn thì họ dễ dàng ra đi không chút dằn vặt trong lòng.
Còn đàn ông Việt thì cũng có những kẻ bạc tình, nhưng đa số họ vẫn nghĩ đến tình cảm trước sau, vẫn nghĩ đến con cái mà dẹp bỏ những ham muốn tức thời của họ. Chính vì thế mà người ta cho rằng người phương Tây khi yêu thì rất chung thủy, vì lúc đó trong mắt họ chỉ có người ấy thôi, khi có người khác lọt vào mắt xanh của họ thì họ dễ dứt bỏ người cũ để đến với người mới. Còn đàn ông Việt Nam vì chút xao lòng với người mới nhưng không dám dứt bỏ vợ con nên đành ăn vụng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nhận rằng đàn ông Việt không bỏ vợ con không phải chỉ nghĩ cho vợ con mà thực ra cũng vì chính anh ta. Điều này tôi không đề cập đến thì mọi người cũng hiểu.
Ai cũng muốn có hạnh phúc, nhưng nhiều khi người ta phải lựa chọn và đánh đổi nhiều thứ. Có thể họ cũng phải suy nghĩ nát óc ra để làm sao có được những điều tốt đẹp nhất, có thể họ cũng đã tranh đấu và cố gắng phấn đấu cho hạnh phúc của mình, nhưng vì điều kiện và khả năng của họ chỉ có thể chấp nhận một cuộc sống như vậy, bằng không thì đành phải chấp nhập một cuộc sống độc thân vậy. Vì như chị nói đấy, tìm một người chồng tốt quả là khó, chính vì thế mà ngoài 30 tuổi rồi tôi vẫn còn đọc thân.
Như một anh ở trong diễn đàn này nói là tất cả cô gái muộn đều có vấn đề, đúng, tôi có vấn đề. Tôi không xinh đẹp để được tự hào về sắc đẹp của mình, tôi cũng không có gì để tự hào về sự nghiệp của mình, như người ta nói nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo, còn tôi chẳng tròn cũng chẳng méo nên chẳng biết úp vào đâu. Tôi rất sợ có một người chồng động tý là đánh mắng vợ, tôi sợ bị phản bội… bởi thế mà tôi vẫn mơ mộng viển vông đi tìm người bạn đời thực sự hợp với tôi.
Tôi không cần người đó phải hoàn hảo vì bản thân tôi cũng không hoàn hảo. Tôi mong có một người đàn ông tốt có thể mang lại hạnh phúc cho tôi, nhưng không có nghĩa là tôi muốn người đó phải làm tất cả cho tôi. Tôi cũng muốn người bạn đời của tôi giúp tôi một số công việc nội trợ khi tôi bận, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải chia sẻ việc ấy với tôi. Tuy nhiên quan điểm của tôi là mỗi bên cần phải biết “cho” bên kia chứ không phải chỉ biết nhận.
Và tôi nghĩ là bi kịch của các gia đình xuất phát từ đây, có những người đàn ông chỉ biết nhận và hưởng thụ mà không biết cho, bởi vợ họ sống cam chịu và hy sinh quá nhiều cho chồng. Đương nhiên đây không phải là nguyên nhân duy nhất mà còn nhiều yếu tố khác nữa như họ cam chịu vì họ yếu hơn nên nếu không theo ý chồng thì chồng lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Rồi yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội… và cả pháp luật nữa.
Có lần tôi đọc trên mạng viết về một cô gái vốn là giảng viên trường cao đẳng lấy phải anh chồng vũ phu, sau nhiều ngày cam chịu cuối cùng phải ly dị, nhưng ly dị rồi vẫn bị anh ta đón đường hành hung. Đã nhiều lần chị nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, nhưng họ cũng chẳng màng tới và cho là chuyện nhỏ gia đình nên không can thiệp, và chị vẫn bị đón đường đánh đập dã man đến khi phải vào bệnh viện. Chị phải viết thư cho báo chí cầu cứu mong rằng tiếng nói của báo chí sẽ có tác động hiệu quả hơn để chính quyền can thiệp, bởi thế mà con đường giải phóng phụ nữ sẽ còn vô cùng nan giải, phức tạp.
Hạnh phúc của người phụ nữ không thể trông chờ vào những người đàn ông sẽ thay đổi mà chính người phụ nữ phải tự tìm ra biện pháp để bảo vệ mình và tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Theo ý tôi, phụ nữ chúng ta nên giúp đỡ nhau, trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm sống để cùng nhau tìm ra con đường hạnh phúc cho mình thay vì kêu gọi những người đàn ông thay đổi tính cách của họ.
Trừ một số người cá biệt, tôi vẫn nghĩ những người đàn ông Việt còn rất nhiều ưu điểm, những tật xấu của họ có khi chỉ là do trào lưu xã hội mang lại mà thôi. Bởi thế mà vẫn có những người vợ rất hạnh phúc vì họ khéo léo khai thác điểm tốt của chồng và biết cách làm cho người chồng từ bỏ được những tật xấu. Đó là những người phụ nữ thật đáng để chúng ta khâm phục và học tập.