Tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ ngày 21/9, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết số thí sinh từ 27 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên) là 20.000, chiếm khoảng 2% trong tổng số hơn một triệu em dự thi. Điều này tương tự việc một lớp học có 50 học sinh nhưng chỉ một em điểm 9-10. "Chúng ta phải nhìn một cách khách quan chứ không thể nhìn vào vài trường hợp 27 điểm không trúng tuyển đại học mà đánh giá đề thi dễ quá", ông Sơn nói.
Lý giải trường hợp 27 điểm vẫn trượt đại học, ông Sơn thông tin có 165 em thuộc diện này. Trong đó, 114 em đăng ký xét tuyển vào trường công an, quân đội và tới 97 em trong số này chỉ đăng ký một nguyện vọng, tức là chỉ muốn vào trường đó. Với 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khối dân sự, có 10 em đăng ký một nguyện vọng, số còn lại 2-3 nguyện vọng.
Theo ông Sơn, việc đăng ký quá ít nguyện vọng là do thí sinh chỉ muốn trường này chứ không muốn học trường khác hoặc do các em quá chủ quan. Bởi thực tế thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành; các đại học cũng đưa ra nhiều phương thức xét tuyển.
Để xem xét quyền lợi cho thí sinh, Bộ đã trao đổi với một số đại học lớn để xét tuyển bổ sung. "Bình thường các trường này sẽ không xét tuyển bổ sung vì đã tuyển đủ ngay đợt 1. Nhưng năm nay chúng tôi vẫn phải tạo điều kiện cho các em để trường xét tuyển bổ sung vào ngành có điểm cao", ông Sơn nói. Trong một vài ngày tới, Bộ sẽ có hướng dẫn để các trường triển khai.
Trước nhiều ý kiến về việc đề thi năm nay dễ, không có tính phân hóa, không phù hợp với xét tuyển đại học, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng một kỳ thi để đạt được tốt nhất các mục tiêu rất khó. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn đánh giá chất lượng dạy và học ở các địa phương, từ đó có sự đối sánh để nhà trường, học sinh có thể cố gắng. Cơ quan quản lý sẽ có những điều chỉnh về chính sách, đổi mới dạy và học tại các địa phương.
"Tôi biết có nhiều ý kiến cho rằng chỉ 2-3% không được tốt nghiệp THPT thì tổ chức kỳ thi này làm gì. Nhưng thực tế nếu không tổ chức, con số này không chỉ 2-3%. Chúng ta mong chờ 99-100% học sinh tốt nghiệp chứ không phải 97-98% như hiện tại", ông Sơn nói, ví việc này tương tự "chỉ có một trong số 100 người tham gia giao thông vượt đỏ thì cần có đèn đỏ hay cảnh sát giao thông làm gì".
Cũng theo ông Sơn, sau 12 năm học phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể làm căn cứ cho các trường xét tuyển đại học. Thực tế cho thấy một phần không nhỏ trường cũng chỉ căn cứ vào điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Tất nhiên, một tỷ lệ nào đó các trường có sức cạnh tranh lớn sẽ tổ chức kỳ thi chuyên biệt, có thể dựa trên bài thi của những trung tâm khảo thí độc lập hoặc tổ chức liên kết với nhau để có bài thi lựa chọn được thí sinh có năng lực chuyên biệt, phù hợp với ngành của trường mình.
Từ năm 2020, có nhiều đại học đã chuẩn bị sẵn sàng phương án liên kết với nhau tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy. Tuy nhiên, vì điều kiện dịch bệnh, các trường quyết định không tổ chức thi. Ông Sơn cho rằng với điều kiện thực tế như vậy, một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt.
"Nếu các trường này tổ chức thi riêng, có thể địa phương này tổ chức được nhưng địa phương khác thì không. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, mất công bằng cho thí sinh. Hơn nữa, các em phải di chuyển nhiều, làm mất an toàn phòng chống dịch", ông Sơn chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hơn một triệu thí sinh dự thi, trong đó hơn 795.000 đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng kết quả thi. Ngày 15-16/9, hơn 200 đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với năm ngoái, điểm chuẩn tăng mạnh, phổ biến 1-3, nhiều trường tăng 5-10.
Xuân Hoa