Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia từ năm 1984 đến 2004 cho thấy, "bản đồ phân bố" học sinh giỏi tham dự quốc tế thường ở các tỉnh miền Bắc. Con số này lên đến 80-85%, rất nhiều năm là 100%. Hằng năm cứ đến kỳ thi học sinh giỏi thì các tỉnh lại đổ xô cho học sinh về Hà Nội để luyện thi. Đội ngũ ra đề học sinh giỏi quốc gia gần như năm nào thì cũng rơi vào người của một số đại học và viện nghiên cứu ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, năm nay Cục Khảo thí sẽ ra đề thi đảm bảo tính khách quan của hai vùng miền, đội ngũ ra đề không phải là những "chuyên gia" cũ. Họ sẽ tham khảo những bài thi trên mạng chuyên ngành. Và như vậy họ sẽ không biết cái gì mới cái gì cũ, có thể "vô tình" cóp nhặt những đề thi đã được sử dụng.
Ông Trần Phương: "Sai sót này là do người ra đề mang tính cảm tính, cẩu thả không tìm rõ nguồn dữ liệu". |
Nhà nghiên cứu toán học Trần Phương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ:"Người làm đề cần nhận trách nhiệm trước công luận".
"Ngay từ vòng một, cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã có vấn đề. Đề thi quá dễ chỉ như một đề thi đại học nên không có tính phân loại, thiếu tính chuyên nghiệp. Với đề thi kiểu này nhiều học sinh khá sẽ bị loại vì yêu cầu chủ yếu là kỹ năng trình bày, trong khi mục tiêu chọn học sinh giỏi phải là năng lực sáng tạo trong làm bài. Chính vì vậy mà thời điểm công bố học sinh đoạt giải quốc gia môn Toán đã phải lùi lại 2 tuần so với mốc thời gian thông thường. Vì kết quả quá cao, ban chấm thi phải thay đổi cách chấm bài.
Đến vòng 2, cũng lại xảy ra sự cố. Điều này cho thấy cần xem lại công tác ra đề thi. Có thể nói vòng thi này còn khó hơn cả thi quốc tế và mang tính đua tranh quyết liệt. 30 em dự thi đều có khả năng đạt giải quốc tế, phải chọn lấy có 6 người. Vậy mà đề thi lại có nhiều phần cóp nhặt hoặc lai tạo từ những đề thi cũ. Bài phương trình hàm còn giống hoàn toàn với đề thi học sinh giỏi Hà Nội ngay năm nay, trong khi nguyên tắc ra đề là không được giống ý tưởng cơ bản, chứ đừng nói đến trùng lặp.
Đề thi học sinh giỏi quốc gia đòi hỏi phải mới lạ, như vậy mới tạo được tính sáng tạo cho học sinh và tạo sự công bằng giữa các thí sinh. Điều đó yêu cầu người ra đề có tính sáng tạo và chuyên nghiệp cao. Nếu đề thi tuyển chọn mà dùng lại những dạng bài tập cũ thì không cần phải tổ chức thi tuyển làm gì, chỉ cần tập hợp những đề thi quốc tế của những kỳ trước cho các em làm rồi lựa chọn học sinh. Thực tế trong lịch sử chọn đội tuyển quốc gia môn Toán, đã có lần để những hạt sạn lọt vào đội tuyển. Hạt sạn này đã không đạt trong kỳ thi quốc tế, chỉ được 9/42 điểm, kéo tụt kết quả thi đồng đội của Việt Nam mà lẽ ra là rất cao.
Do vậy cần phải hủy đề thi cũng như kết quả thi, sau đó tổ chức một kỳ thi khác. Tôi nghĩ vẫn còn kịp vì còn 1 tháng nữa mới đến Olympic tại Mexico. Trong trường hợp cấp bách không cần phải tập trung đội tuyển để huấn luyện vì bản thân các em đã rất có khả năng, nắm vững kiến thức và được ôn luyện suốt quá trình học tập. Nhiều nước cũng không cần tập trung huấn luyện đội tuyển quốc gia như Anh, Nhật, Mỹ...
Tôi rất buồn khi những người ra đề không chịu nhận sai lầm cũng như trách nhiệm của mình. Những người có tự trọng trong ngành giáo dục, nhất là ngành mũi nhọn như Toán học, phải biết nhận trách nhiệm và xin lỗi công khai trước công luận. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT có chế tài xử phạt người ra đề vi phạm quy chế.
Để tránh tính trạng tương tự xảy ra, Bộ GD&ĐT có thể để các giáo viên chuyên đào tạo học sinh giỏi, có danh tiếng ra đề. Bên cạnh đó có những biện pháp quản lý như: Đề nghị cam kết không ra đề trùng lặp ý tưởng cơ bản; công khai tên tuổi người ra đề, khi đó vì bảo vệ uy tín họ sẽ có trách nhiệm với công việc mình làm; trả thù lao cao có thể là 3-4 triệu đồng một bài tập.
Trước đây, đề thi được tập hợp từ các giáo viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực đào tạo học sinh giỏi và những nhà toán học, tuy nhiên theo tôi Bộ GD&ĐT có thể thiết lập một trang web để các học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi từng đoạt giải quốc tế có thể gửi đề của mình đến. Đây là những người giàu tính sáng tạo và thông minh. Có như vậy ngân hàng đề thi mới phong phú, và mới mẻ".
GS Văn Như Cương: "Trách nhiệm phải thuộc về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng và người ra đề". |
GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh: "Đây là một sai lầm không thể chối cãi"
"Một trong những nguyên tắc ra đề thi chọn đội tuyển là phải hoàn toàn mới, không lấy những đề thi cũ dù trong nước hay quốc tế, những học sinh đã được xem bài hoặc từng làm qua dạng bài đó sẽ triển khai rất nhanh, còn những em chưa từng được xem qua sẽ mất thời gian tìm tòi, nghiên cứu. Mà hiện nay học sinh có nhiều phương tiện để tra cứu nên các em rất dễ phát hiện được sự trùng lặp của các đề. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, đặc biệt bài thi trùng với đề của Sở GD&ĐT Hà Nội là không thể chấp nhận được, không công bằng cho các thí sinh.
Trước đây chưa bao giờ có sự trùng lặp như thế, rất có thể do người làm đề thiếu kinh nghiệm. Bộ GD&ĐT đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, thì cơ quan này phải làm công tác "thẩm định" đề trước khi tổ chức thi, phải chăng đội ngũ làm đề không có năng lực hay do... tiêu cực?
Theo tôi, chọn đội tuyển là vì "màu cờ sắc áo", không thể chọn theo cách này. Tuy nhiên cũng không nên tổ chức thi lại mà có thể chọn 10-15 em. Sau quá trình bồi dưỡng sẽ sàng lọc tiếp để có đội tuyển đúng thực chất. Dù cách làm này tốn kém hơn nhưng mở rộng đối tượng, tỷ lệ sai sót sẽ thấp hơn và hy vọng đọat huy chương trên trường quốc tế bằng thực lực có thể thực hiện được".
Thày Đỗ Lệnh Điện: "Học sinh nào chưa biết đến đề cũ sẽ chịu nhiều thiệt thòi". |
Thày giáo Đỗ Lệnh Điện, Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam: "Như vậy khác gì đẩy học sinh ra khỏi cuộc thi"
"Các kỳ thi học sinh giỏi là tạo ra cơ hội cho những học sinh có khả năng phấn đấu vươn lên. Nhưng những sai phạm của kỳ thi năm nay đã tạo ra một tâm lý không tốt cho học sinh. Điều kỳ lạ là những người ra đề đã làm sai mà không chịu nhận. Họ vẫn bảo lưu kết quả cũng như đề thi là điều không chấp nhận được. Trường tôi cũng có học sinh đi thi. Không chỉ chúng tôi, những giáo viên, mới có cảm nhận này mà ngay những em học sinh không được chọn trong kỳ thi này có cảm giác như bị đẩy ra khỏi vòng thi. Đây là năm đầu tiên Cục khảo thi ra đề song đã để ra sự sai sót đáng tiếc này".
Trịnh Vũ