From: TL
Sent: Friday, April 18, 2008 6:05 PM
Subject: Gui toa soan: Re: Ap luc gia dinh chong khien toi muon ly hon
Gửi các chị,
Tôi viết những dòng này khi chủ đề làm dâu đã có rất nhiều những đóng góp, ý kiến. Tôi không dám đưa ra những lời khuyên cho chị Hoài, rằng chị có nên ly hôn hay không. Chỉ muốn chia sẻ với các chị vài điều dưới đây:
1. “Một tổ ong mà có hai con ong chúa thì chúng sẽ choảng nhau đến khi chỉ một con còn sống sót”. Khi mối quan hệ của vợ chồng tôi và mẹ chồng rơi vào giai đoạn khó khăn nhất, đó là những gì người bạn thân nhất của chồng tôi nói.
Xin nói với các bạn, chồng tôi là người châu Âu, dĩ nhiên mẹ chồng cũng thế. Còn người đưa ra lời khuyên cho chúng tôi là một người Philippines. Nên nếu ai đó nói rằng me chồng Việt Nam thế này thế nọ thì tôi nghĩ chưa hoàn toàn đúng. Mẹ chồng thì ở đâu cũng thế.
Khi con trai còn độc thân thì mẹ là chỗ dựa, là một trong những người thân thiết nhất của mình. Khi anh lập gia đình, vợ bỗng nhiên trở thành điều quan trọng nhất đối với anh, giờ đây những buồn vui, vợ sẽ là người được anh chia sẻ trước tiên. Thế nên, khi con trai lập gia đình, người me chồng thường rơi vào cảm giác hụt hẫng vì tự dưng mình không còn là số một với con trai mình nữa.
2. “Thiết lập khoảng cách và thiết lập giới hạn”
Mẹ tôi, may mắn không phải làm dâu “full-time” do gia đình của ba tôi đều sống ở nước ngoài. Mẹ luôn đối xử tốt với ông bà nội tôi. Thương họ như chính cha mẹ mình. Tôi nhớ cái thời hơn 10 năm trước, khi mà trái sầu riêng còn có mùa, bà nội tôi thường về Việt Nam vào dịp Tết, vốn trái mùa sầu riêng, giá lúc đó đắt đỏ vô cùng, nhưng hễ bà nói thèm sầu riêng là ngày hôm sau sẽ có sầu riêng ăn.
Bà chỉ cần ngỏ ý thích gì là mẹ tôi sẽ đi mua cho bằng được để chiều lòng bà. (Xin thưa là bà chỉ về rồi đi chứ chẳng có sự hỗ trợ nào về kinh tế cả). Mọi người trong đại gia đình đều rất quý mến mẹ tôi, coi bà như một người con dâu hiền thảo, trọng tình trọng nghĩa. Thế cũng chẳng xong với bà nội tôi.
Từ khi tôi có thể nhớ được. Mỗi lần bà về thăm quê là mỗi lần mẹ tôi cực khổ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho bà. Nhưng có gì không vừa ý thì bà mời bà con cô bác đến nhà để chứng kiến bà dạy mẹ tôi (và bà luôn làm thế khi ba tôi vắng nhà).
Trong khi đó, bà cũng có hai người con dâu ở nước ngoài. Một người coi ông bà chẳng ra gì, thậm chí còn nói rằng “ba mẹ chồng tôi giàu thế chứ chằng có học hành gì”. Bà nghe nhưng cũng chằng dám nói lại. Con cô con dâu kia thì chỉ cần gọt cho ông bà một trái xoài thôi họ cũng suýt xoa khoe khắp làng khắp xóm.
Tại sao lại có sự khác biệt trong cách đối xử với con dâu như thế?
Tôi cho rằng quan niệm “ở hiền gặp lành” là một quan niệm hướng thiện mà chúng ta luôn nên biết trân trọng. Tuy nhiên, bà con ta cũng có nói “được nước làm tới” và “leo lên đầu lên cổ”. Ngay từ ban đầu mẹ tôi đã quá nhẫn nhịn, nuông chiều, chịu đựng nên bà tôi mới có cớ mà lấn tới. Trong khi hai người con dâu kia đã tỏ rõ thái độ ngay từ ban đầu nên không ai dám bắt nạt.
Còn riêng bản thân tôi. Ban đầu cũng đối xử rất tốt với mẹ chồng, nên khi tôi chuẩn bi sinh con, bà liền tự mình đặt vé máy bay về Việt Nam 7 tuần để sống cùng vợ chồng tôi mà không hề hỏi ý trước. Và 7 tuần sống chung với bà đúng là địa ngục vì bà luôn can thiệp vào cả những chuyện nhỏ nhặt nhất như cho bé uống sữa nào, pha sữa bằng nước lọc nấu sôi hay Evian, sao cho em bé mặc đồ xấu quá...
Trong khi đó, cô vợ của em chồng tôi, ngay từ ban đầu đã tuyên bố không chấp nhận chuyện khách ngủ qua đêm ở nhà họ. Sau này cô ta đồng ý cho mẹ chồng tôi ngủ qua đêm (trên ghế sofa) mà bà đã khen lấy khen để.
Vâng thưa các chị, dài dòng kể lể cũng chẳng qua để chứng minh với các chị rằng, nếu mình nhẫn nhục chịu đựng quá thì họ cho là những cố gắng, những cử chỉ đẹp của mình là chuyện bình thường, là chuyện dĩ nhiên và càng lúc càng đòi hỏi cao hơn.
Bà con ta cũng nói “ở xa thì thơm, ở gần thì thúi’. Đa số chúng ta vì sĩ diện, vì “sợ người đời nhìn vào chê trách” nên chẳng dám ra sống riêng. Xin cho tôi hỏi, người đời họ chê trách bạn, họ có dám đến tận nhà bạn và nói thẳng vào mặt bạn không? Người đời đấy có phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn không?
Các bạn ơi, hãy sống cho mình trước khi sống mà nghĩ đến cách làm vừa lòng “miệng thế gian". “Cây ngay không sợ chết đứng”, các bạn là những người hiểu rõ nhất hoàn cành của mình, nếu sống chung không được thì thà “mất lòng trước, được lòng sau”, dọn ra riêng cho đỡ căng thẳng thần kinh cho đôi bên, để rồi sau này gặp nhau còn biết trân trọng nhau, hơn là để chịu đựng quá lâu, tức nước vỡ bờ đến mức không thề hàn gắn được.
3. “Phụ nữ thường để ý đến những điều nhỏ nhặt và hay nhớ dai”
Phụ nữ chúng ta là chúa để ý đến những điều nhỏ nhặt và cho đó là quan trọng, lại hay suy diễn (thường là theo chiều hướng không tốt) và còn nhớ rất dai, đặc biệt là những điều không hay. Do đó nếu mọi người đều biết hạn chế những điều này cho tâm hồn mình thanh thản thì tốt hơn biết bao.
Trước đây, mỗi lần mẹ chồng tôi đến thăm thì chồng tôi tha hồ mà nghe bà chê hết thứ này đến thứ kia. Từ cái nhà bếp bày biện sao kỳ, quần áo ủi gì mà còn nhăn, thằng nhỏ cho ăn mặc chẳng giống ai… Sau này chông tôi khuyên bà, mỗi lần đến thăm thì nên thay đổi thái độ và có suy nghĩ tích cực hơn, ví dụ như “con dâu nó đón tiếp mình cũng chu đáo, cháu mình khỏe mạnh, xinh xắn, thông minh, con cháu mình xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thế là kể từ đó, mỗi lần bà đến thăm không còn là gánh nặng nữa.
Ngoài ra, chúng ta thường hay quên mất một điều: rằng con người ai cũng có lúc làm lỗi, chúng ta đừng nên chỉ nhớ đến những lỗi lầm (mà có khi chúng ta tưởng rằng đã quên, đã tha thứ), vì đôi khi nó là gánh nặng không cần thiết, không chỉ đối với người làm lỗi mà cả với bản thân mình và mối quan hệ.
4. “Chia sẻ trách nhiệm”
Tôi thực sự không hoàn toàn đồng tình với những quan điểm như “vợ phải chăm sóc chồng” hay thậm chí gia đình chồng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tôi tin là đa số các chị tham gia vào chuyên đề này đều là những người có công ăn việc làm. Tại sao lại còn những quan niệm như chuyện cơm nước, giặt giũ, chăm con là của người phụ nữ?
Còn chuyện người phụ nữ sau khi đi làm về phải chăm sóc cả gia đình chồng mà được coi là đương nhiên thì đúng là hết sức phi lý.
Tôi tin hôn nhân là sự chia sẻ, có qua có lại, vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Có thế họ mới hiểu nhau nhiều hơn, và có nhiều mối quan tâm chung hơn.
5. “Tâm sự của người đứng giữa”
Người vợ không bằng lòng với gia đình chồng thì đem ra nói với chồng. Gia đình chồng không bằng lòng với nàng dâu cũng đem ra nói với chồng. Thôi thì người đứng giữa là kẻ lãnh đủ và là người cảm thấy vô cùng khó xử, vì biết nghe ai bây giờ.
Nghe thì có vẻ tham vọng quá nhưng sao chúng ta không thử trao đổi thẳng thắn với nhau? Người con dâu khi nghe những điều không hay về mình, có thể lựa dịp để tâm sự riêng với mẹ chồng để đôi bên hiểu nhau hơn.
Nếu cả hai bên đều cố lôi kéo chồng về phía mình, nhiều khi không có tác dụng mà chẳng qua chỉ làm người chồng mệt mỏi và đau khổ mà thôi.
Chỉ có đôi điều đúc kết như thế, mong các chị tìm được hạnh phúc cho mình và gia đình.
Thân mến,