Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/1, ông Đam cho hay, thanh tra tại Đà Nẵng là một trong nhiều cuộc được tiến hành hàng năm. Năm 2012, 24 cuộc thanh tra có kết luận và công bố được 20, còn lại một số nội dung liên quan tới an ninh quốc phòng hoặc thanh tra cần làm rõ tiếp.
"Điều đó cho thấy thanh tra Đà Nẵng là bình thường, việc công bố là bình thường, theo quy định pháp luật", ông Đam nói.
Theo ông Vũ Đức Đam, không có khái niệm thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông Đam, sau khi báo chí phản ánh về phản ứng của UBND Đà Nẵng, Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra báo cáo. Theo luật Thanh tra, nghị định hướng dẫn thi hành, không có khái niệm "phúc tra", chỉ có khái niệm là "thanh tra lại".
"Nhưng thanh tra lại chỉ tiến hành với thanh tra bộ, tỉnh. Còn với Thanh tra Chính phủ thì không có khái niệm thanh tra lại", ông Đam cho hay.
Đối với quá trình thực hiện kết luận sau thanh tra, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho UBND Đà Nẵng, các bộ Bộ Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Công an. Các cơ quan đó cần thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề cần xem xét lại thì báo cáo Thủ tướng.
Trong kết luận được công bố cách đây 2 tuần, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc giao đất, đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất... ở Đà Nẵng khiến ngân sách nhà nước thất thu hơn 3.400 tỷ đồng. Thủ tướng đã đồng ý với kết luận thanh tra và giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã ký văn bản khẳng định, không có chuyện thất thoát ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng và "thời điểm đưa ra kết luận thanh tra là bất thường".
Nguyễn Hưng