Chiều 5/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, chủ trương không tăng học phí năm học tới của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
"Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học nhưng đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ", ông Sơn nói và cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 81 về học phí công lập, lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Chính phủ.
Theo ông Sơn, với giáo dục phổ thông có tính chất phúc lợi, an sinh xã hội, chủ yếu do nhà nước bảo đảm kinh phí. Bộ đề nghị các địa phương quan tâm để bảo đảm ngân sách, giữ ổn định đời sống để giáo viên yên tâm công tác, đảm bảo các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với giáo dục đại học, học phí là nguồn tài chính chủ yếu hiện nay. Các trường có sứ mạng thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực bền vững nhưng chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và đã không tăng học phí ba năm qua.
Thời gian qua, Chính phủ có nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường, nhất là trường tự đảm bảo chi thường xuyên bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì chất lượng đào tạo.
Ông Sơn nhìn nhận dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh, tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) cũng cần được giữ vững. Đây là vai trò điều tiết của Nhà nước.
Theo nghị định 81, từ năm tới, trần học phí (mức tối đa được thu) đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, gấp hai lần mức cũ (0,98-1,43 triệu đồng). Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên (2,8-6,9 triệu đồng một tháng). Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.
Cuối tháng 7, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì sửa nghị định này, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.
Nhiều đại học lo lắng bởi đã bị cắt ngân sách sau khi tự chủ, có trường bị cắt 100%, trong khi học phí phải như cũ sẽ khó đảm bảo chất lượng, giữ chân giảng viên giỏi và đầu tư cơ sở vật chất.