Bài viết là quan điểm của một chuyên gia giáo dục trên chuyên trang nuôi dạy con của Sina mới đây.
Mỗi lần cha mẹ nói "không sao đâu", thất vọng, bất bình, giận dữ, toàn bộ cứ ùa về trong tim chúng ta. Thậm chí hẳn đã có những người trong chúng ta còn hoài nghi mình có phải con đẻ của bố mẹ không. Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta đã trở thành bố mẹ và thế đạo luân hồi, vô thức, chúng ta cũng trở thành như bố mẹ trước đây. Khi trẻ em thất vọng hoặc bị bắt nạt, chúng ta thường mở miệng và nói với con cái mình: "Không sao đâu".
1. "Không sao đâu" - phủ nhận tình cảm với trẻ
Tuần trước, tôi đi qua khu vườn, thấy một đứa trẻ bất ngờ té ngã, cú ngã có vẻ không nhẹ. Nhưng người mẹ ở phía sau không bước tới đỡ, cậu bé chuẩn bị khóc lên thì mẹ cậu nói: "Không sao đâu, nam tử hán không được khóc, phải mạnh mẽ lên". Người mẹ vừa dứt lời, đứa con liền khóc to lên. Bởi vì đứa trẻ cảm thấy tủi thân, muốn biểu đạt cùng với mẹ nhưng không nghĩ mẹ lại nói "không sao đâu".
Một số bà mẹ cảm thấy để con mình mạnh mẽ và độc lập hơn, họ phải nghiêm khắc một chút nên thường nói "mạnh mẽ", "đừng khóc" hay "không có gì" khi đối mặt với cảm xúc của con. Đứa trẻ đang có tâm trạng muốn giãi bày thì bố mẹ lại vội vàng sử dụng những từ này để nói với trẻ, khiến con cảm thấy không được thấu hiểu, mà còn bị cấm, bị chối từ.
Chúng ta phải cho phép trẻ thể hiện hoặc giải phóng cảm xúc của mình, ngay cả khi chúng khóc, la hét hay cuồng loạn. Chỉ khi được giải phóng trẻ mới bình tĩnh, còn không nó sẽ kìm nén, có tác hại rất lớn.
2. Không sao đâu - có thể làm trẻ không biết mình đúng hay sai
Một ngày nọ, mấy đứa trẻ đang chơi trò chơi, có một cậu bé chạy rất nhanh lúc nào cũng về đầu tiên. Một cô bé khác không vui, nên khi cậu ấy đang chạy, cô bạn đã cố tình ném hòn đá nhỏ khiến cậu ngã trên sàn nhà và khóc to. Mẹ cậu bé vội chạy đến, cô bạn lúc này nghĩ mẹ cậu sẽ mắng mình. Nhưng kết quả người mẹ đỡ con mình lên và nói đơn giản là ba từ: "Không sao đâu".
Khi nghe xong 3 từ này đứa trẻ đã khóc: "Chính bạn ấy làm con ngã, đau lắm". Mẹ mỉm cười và nói: "Các con đều là bạn cùng lớp, con nên rộng lượng một chút, không sao đâu".
Cậu bé khóc càng to hơn. Vì lỗi sai của người khác khiến mình bị ngã, mẹ lại dùng "không sao" để an ủi. Kiểu an ủi này chi bằng không nên nói gì. Bởi trẻ hi vọng một phán quyết "công bằng". Bây giờ, ngay cả những người thân với mình lại đi bảo vệ người làm sai, thật sự càng khiến trẻ thêm tổn thương. Trong một thời gian dài, đứa trẻ có thể không biết đâu là công bằng, cái gì đúng hay sai và làm thế nào để tự bảo vệ mình.
Cho dù đó là những thứ của riêng mình bị cướp, bị buộc phải chia đôi, bố mẹ liên tục nói "không sao đâu", điều này có nghĩa khi người khác muốn, bạn phải làm hài lòng người đó. Hy sinh cảm xúc của chính mình, chôn vùi ý chí và tất cả các thói quen của mình để phục vụ người khác, điều này dễ hình thành một loại tính cách "lấy lòng".
3. 'Không sao đâu' - cho phép người khác thiếu tôn trọng trẻ và có thể khiến trẻ cảm thấy thấp kém, yếu đuối
Tôi có một người bạn luôn cảm thấy bản thân là một người thấp kém, nhút nhát và không dám bảo vệ lợi ích của mình. Anh ấy nói rằng khi còn nhỏ, mặc dù có nhiều đồ chơi nhưng không bao giờ thực sự thuộc về mình. Bất kể con các cô, các dì, miễn họ thích, mẹ anh đều cho hết. Sau này lớn lên, một người bạn cùng lớp đến nhà chơi và thích cuốn sách ngoại khoá của anh ấy, người mẹ cũng hào phóng cho luôn.
Về lâu dài, một đứa trẻ bị hành xử như vậy không trở nên hào phóng, mà ngày càng tự ti hơn. Vì trẻ cảm thấy thấy "bản thân không đủ tốt và không xứng đáng với điều đó". Điều này khiến trẻ dễ dàng trở nên yếu đuối, nhút nhát, bản thân ngày càng thấp kém và sẽ không dám bảo vệ lợi ích của chính mình.
4. "Không sao đâu" - triệt tiêu cảm xúc, thậm chí khiến trẻ ngột ngạt
Trẻ em sẽ dần trở nên tê liệt về mặt cảm xúc, bởi vì cha mẹ chưa bao giờ dạy con cách hiểu cảm xúc của người khác. Từ khi còn nhỏ, chúng không được gia đình thấu hiểu và như vậy, chúng cũng không biết cách hiểu cảm giác của người khác, dần dần phát triển thành một người vô cảm.
Vì không ai hiểu và đồng ý với cảm xúc của mình, nên đứa trẻ buộc phải trở nên mạnh mẽ hơn, như thế mới có thể tự bảo vệ mình. Cách để khiến bản thân mạnh mẽ là trở nên hung bạo, kiêu ngạo và chống đối mọi người.
Vậy rơi vào tình huống con mình trải qua thất bại hoặc thất vọng, đừng vội nói "Không sao đâu", đầu tiên các bậc phụ huynh hãy làm 4 điều sau:
1. Lắng nghe để con bạn có cơ hội bày tỏ cảm xúc
Trong thực tế, khi một đứa trẻ gặp thất bại, khó khăn hoặc bất bình, điều đầu tiên chúng cần là có một người thân để lắng nghe và cùng mình chia sẻ. Những gì mẹ phải làm là lắng nghe trẻ, để trẻ cảm nhận được sự chăm sóc của mẹ. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn, sẵn sàng nói hết với mẹ nhiều điều hơn.
Đối với những đứa trẻ không giỏi thể hiện cảm xúc, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu bằng ngôn ngữ cơ thể như vỗ vai hay ngồi yên lặng với trẻ. Cho dù không nói chuyện, trẻ cũng có thể cảm nhận được sự chăm sóc của cha mẹ. Sau một thời gian, đứa trẻ sẵn sàng nói chuyện, ngay cả khi không phải lúc buồn hay tâm trạng.
2. Đồng cảm, thấu hiểu và chịu đựng cảm xúc của trẻ
Khi đứa trẻ khóc, chúng ta thường cảm thấy đó không phải là vấn đề lớn, không đáng để khóc. Khi đồ chơi trẻ bị cướp, chúng ta cảm thấy nó ổn, không phải điều gì quá lớn. Tuy nhiên những điều này rất ảnh hưởng tới trẻ.
Cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau khi nói chuyện với con:
- Thể hiện tình yêu với trẻ: "Con muốn nói là,.... như vậy phải không? "Bây giờ con muốn... đúng không?"
- Thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ: "Mẹ biết cái này đối với con rất quan trọng." "Mẹ biết việc này rất khó xử lý".
- Thể hiện sự quan tâm: "Con xem, mẹ có thể giúp con chuyện gì không?"
- Thể hiện không đồng ý: "Lời con nói cũng có lý, nhưng có một chút mẹ không đồng ý,..." "Quan điểm của con khá mới mẻ, nhưng mẹ không đồng ý một chút về...."
Từ đó, trẻ sẽ tự học cách chấp nhận và hiểu người khác, trở thành một người có suy nghĩ rộng.
3. Khuyến khích hoặc đồng hành cùng con để tìm hướng giải quyết vấn đề
Khi biết suy nghĩ, sự chú ý của trẻ đã bắt đầu chuyển sang vấn đề thực tế, thay vì xoay quanh những cảm xúc tiêu cực ban đầu. Lúc này, cha mẹ có thể thảo luận về giải pháp thực tế với trẻ. Bằng cách lắng nghe những suy nghĩ của con và xem trẻ sẽ làm gì. Cha mẹ có thể khuyến khích và đánh giá cao hơn cho những ý tưởng hợp lý, nếu chúng không hợp lý, cha mẹ có thể đặt câu hỏi hoặc đề xuất để trẻ khám phá ra vấn đề.
4. Khi làm chủ "ra mặt" thay con
Nhiều bậc phụ huynh thường quan tâm đến việc "nơi công cộng, người khác nhìn thấy sẽ như thế nào", "không thể mất mặt với mọi người" thay vì để ý cảm xúc trẻ.
Lần sau đừng như vậy, cha mẹ phải sát cánh cùng con cái và giúp con giải quyết vấn đề thay vì đẩy trẻ sang phía phản diện và làm tổn thương trái tim chúng.
Ví dụ, khi một đứa trẻ còn quá nhỏ để bị bắt nạt, rõ ràng đứa trẻ đang ở thế bất lợi và không thể chống cự; hoặc nếu đứa trẻ nói đúng, khi đó là hợp lý ... Bố mẹ phải ra mặt bảo vệ hoặc hỗ trợ trẻ, thay vì đẩy đứa trẻ vào thế bất lực và hoảng loạn. So với việc mất mặt của người lớn, điều quan trọng hơn là tạo cho con cảm giác an toàn, tin tưởng với cha mẹ!
Huyền Trang