Một giờ học của các cháu tại trường mầm non. Ảnh minh họa: T.D. |
Sau thông tin về trường hợp bé Anh Phi bị cô giáo dùng khăn buộc vào ghế vì hay phá lớp, có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc phạt trẻ. Trong khi không ít phụ huynh tỏ ra xót xa, thậm chí phẫn nộ trước cách giáo dục trên, thì không ít người bày tỏ sự cảm thông với các cô giáo và khẳng định, trong nhiều trường hợp, phạt là cách tốt nhất giúp trẻ ngoan hơn.
Thực tế, hiện nay, tại nhiều trường mầm non, các hình phạt tiêu cực như quát mắng, đánh trẻ, cách ly... không hiếm.
Anh Tùng, có con gái gần 3 tuổi, đang học tại một lớp tư thục khu Thanh Xuân, Hà Nội kể, tuần trước, khi chơi đóng vai "cô - trò" với con gái, anh hoảng hồn khi thấy con quát: "Tùng hư, đưa chân ra đây" rồi lấy thước kẻ vụt mấy cái liền vào gan bàn chân bố. Hỏi kỹ con, vợ chồng anh mới biết, ở lớp, bạn nào hư đều bị cô giáo đánh vào gan bàn chân. "Thật là kinh khủng, làm như vậy sẽ không để lại dấu vết gì", anh Tùng thốt lên. Vì biết nếu có hỏi, thể nào cô cũng không thừa nhận hành động này, nên vợ chồng anh đã tự động xin cho con vào một trường khác.
Mấy tháng trước, chị Loan, nhân viên một công ty bất động sản ở Hà Nội phát hiện con chị - bé trai 5 tuổi, bị cô giáo lột quần, vứt lên quạt trần đang quay, sau khi nhắc nhở vài lần mà bé vẫn nói chuyện riêng.
Mới đây, chị và các phụ huynh trong lớp lại được phen hoảng hồn khi nghe một bé kể: Vì mấy bạn trai trong lớp nghịch quá, cô nói không nghe nên bị bắt nằm chồng lên nhau rồi cô ngồi lên trên. Cô còn đe cả lớp không được về nói cho bố mẹ biết việc này. Tuy nhiên, một trong số các bé lại... quên, lỡ kể với mẹ, vậy là, mấy bà mẹ có con học cùng rỉ tai nhau rồi về hỏi dò, kết quả: 10 em đều nói vậy.
Sau khi phụ huynh phản ánh với hiệu trưởng trường việc này, cô giáo phạt kiểu trên bị phê bình nhưng vẫn tiếp tục đứng lớp vì cô là một trong những giáo viên dạy giỏi và giàu kinh nghiệm của trường.
Sau thông tin về những vụ trẻ mầm non bị bạo hành hay chịu các hình thức phạt vốn không được phép ở trường như đánh, cách ly... không ít bà mẹ gửi con đi học, cả ở trường công lẫn lớp tư tỏ ra lo lắng. "Không cho con đến trường thì không được, mà gửi con đi thì lúc nào cũng thấp thỏm", một người mẹ trẻ chia sẻ trên mạng.
Thực tế, các cô giáo mầm non cũng phải chịu nhiều áp lực trong quá trình nuôi dạy trẻ và trước dư luận về việc phạt các bé.
Chị Thuần - giáo viên một trường mầm non công lập ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, hầu như người đứng lớp nào cũng biết, theo luật, cô giáo không được phép phạt trẻ, nếu có, chỉ áp dụng những hình thức nhẹ nhàng như nhắc nhở, cho trẻ đứng yên suy nghĩ trong khoảng thời gian ngắn (2-3 phút)... Nhưng thực tế, điều này rất khó thực hiện.
"Bạn thử tưởng tượng đi, lớp mình có 3 cô, với hơn 50 cháu, khoảng 2-3 tuổi. Những ngày đầu nhận trẻ thì thôi rồi, cả lớp ầm ĩ vì trẻ thi nhau gào, khóc rồi có khi cùng lúc, đứa thì ị đùn, đứa tè dầm, đứa nôn, đứa cào bạn... Các cô tay chân hoạt động liên tục, đầu như muốn nổ tung. Những ngày sau các con vào nếp thì đỡ hơn, nhưng lại vất vả kiểu khác. Trẻ quen bạn, quen lớp thì lại nghịch hơn, rồi tranh đồ chơi, đánh nhau... Muốn dịu dàng cũng khó", chị Thuần kể.
Chị cho biết, chính vì điều này mà có những cô, nhất là những người chưa có kinh nghiệm, hay bị cuống, hoặc vốn nóng tính thì sẽ rất dễ cáu, quát tháo, thậm chí đánh, phạt trẻ. Tuy nhiên, số giáo viên này không nhiều. "Chúng tôi cũng biết là, chỉ sơ xẩy một chút, mình có thể... lãnh đủ". Theo chị, điều đáng nói là, nhiều mẹ, không biết cảm thông với các cô, cứ thấy con ốm, khóc, xây xước là trách móc, đổ tội lên cô giáo, khiến họ càng căng thẳng hơn.
Theo bà Hồng Mai, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Long Biên, Hà Nội thì phải phạt mới rèn cho trẻ vào nếp được, nếu nhẹ nhàng cả ngày, các cô sẽ không làm được việc gì.
Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, bà không bao giờ cho phép các cô giáo sử dụng những hình phạt quá đáng với trẻ như đánh đòn, cách ly bé trong thời gian lâu hay dùng khăn buộc bé... "Những cách này chỉ để cô rảnh, được việc của cô nhưng không ích lợi gì cho trẻ, và chứng tỏ cô không thông minh, không có biện pháp nào hiệu quả giúp bé ngoan hơn", bà Mai nói.
Theo bà, đối với trẻ nhỏ, điều quan trọng là các cô phải hiểu được cá tính của mỗi trẻ để có cách dạy phù hợp. Có trẻ nếu không quát thì không chịu nghe, nhưng trẻ khác lại chỉ ưa nịnh, một số bé thích được vỗ về, trò chuyện, trong khi với nhiều em khác lại phải dùng cách đánh lạc hướng, rủ chơi trò chơi, kể chuyện... Cũng có những cháu - thường do quen được gia đình nuông chiều - rất bướng, khó bảo, khiến các cô cũng phải bất lực.
"Nói chung, điều quan trọng nhất là các cô phải yêu trẻ. Nếu cô không yêu trẻ, sẽ thấy ngại và thậm chí ghê khi làm vệ sinh cho các cháu, dễ cáu khi trẻ không theo ý mình... Còn khi cô đã yêu trẻ, thì sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn của nghề và luôn cố gắng để chăm, dạy các cháu tốt hơn", bà Mai bày tỏ.
Bà cũng cho rằng, bất cứ môi trường nào cũng có thể có "sâu", đặc biệt nghề "làm dâu trăm họ" này. "Môi trường này thực sự cũng phức tạp lắm, lương bổng thì thấp, mà lỡ xảy ra điều gì là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ chẳng chơi", bà Mai nói.
Trao đổi thêm về điều này, theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội), cho rằng cần rất thận trọng khi phạt trẻ mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ rất dễ tập nhiễm. Cô sử dụng bạo lực để phạt, trẻ cũng có thể dần có hơi hướng này. Có thể thấy ngay, những bé bị cô đánh, hay thấy cô đánh bạn sẽ thực hành điều này với búp bê, hay vật nuôi trong nhà, thậm chí với cả bạn bè, người thân.
Về phía các bậc phụ huynh, cần luôn quan tâm, quan sát, trò chuyện với con mỗi ngày, kịp thời nhận ra những điều "lạ" ở trẻ ngay. Nếu phát hiện con bị phạt ở trường, thì việc đầu tiên mẹ cần làm là bình tĩnh tìm hiểu, xem xét kỹ nguyên nhân sự việc. Nếu thấy cách phạt đó không phù hợp, ảnh hưởng xấu tới trẻ, hãy góp ý tế nhị với cô giáo. Nhiều khi, do chịu nhiều áp lực, thiếu kiên nhẫn, các cô có thể mắc khuyết điểm và họ sẵn sàng sửa nếu được góp ý với thiện chí.
"Không bao giờ được thỏa hiệp với cái sai, hoặc lờ đi, rồi để mọi thứ dồn nén, sẽ có lúc phải bùng nổ. Chuyển trường chỉ nên dùng tới, khi phụ huynh cảm thấy không thể tìm được sự đồng cảm với các cô giáo trong cách giáo dục con mình", nhà giáo dục phân tích.
Theo bà, trong mọi trường hợp, cả cô lẫn mẹ cần nghĩ đến điều gì sẽ tốt nhất cho trẻ.
Minh Thùy