Ngày 4/8, trả lời VnExpress về khuyến cáo không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt nCoV ở ngoài trời, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, Bộ đã hướng dẫn các địa phương việc khử trùng, xử lý môi trường tại khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
Theo đó, phạm vi khử khuẩn là trong nhà của bệnh nhân và các khu vực liền kề xung quanh. Với các bề mặt bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc như bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, vòi nước, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào, nền nhà..., thì lau khử khuẩn.
Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, về cơ bản, các địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát Covid-19 lần này, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh và xuất hiện nhiều ổ dịch cùng lúc, một số địa phương đã phun hóa chất diệt khuẩn tại các nơi công cộng. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19, Bộ Y đề nghị các địa phương không tiếp tục áp dụng biện pháp trên. Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
PGS nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bày tỏ đồng tình với khuyến cáo của Bộ Y tế. Ông cho rằng việc phun khử khuẩn ngoài trời ở một số nơi thời gian qua do các địa phương không dựa trên cơ sở khoa học. Bởi ở góc độ chuyên môn, từ nhiều năm trước Bộ Y tế đã khuyến cáo các hóa chất như Cloramin B chỉ dùng để lau các bề mặt và phun trong phạm vi hẹp.
Ông phân tích, nCoV tồn tại chủ yếu trong đường hô hấp người bệnh và lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Virus không tồn tại trong không khí hay những nơi công cộng. Vì vậy, việc phun khử khuẩn ngoài trời không có tác dụng diệt virus.
Việc phun hóa chất ngoài trời sẽ gây hại đến sức khỏe mọi người, nhất là trẻ em, người già, người bị dị ứng, bị các bệnh về hô hấp. Các loại hóa chất như Cloramin B sẽ tồn tại lâu dài, làm ô nhiễm môi trường sống.
Hơn nữa, phun hóa chất tràn lan còn khiến người dân nhầm tưởng sẽ diệt được virus, gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chung quan điểm nêu trên, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng nói rằng ông đã nhiều lần khuyến cáo không cần phun hóa chất ngoài trời, trên đường...
Ông phân tích, việc phun khử khuẩn ngoài trời không có tác dụng. "Virus không ở ngoài đường, không ở trên cây. Đây không phải là các bề mặt dễ chứa virus mà mọi người thường xuyên tiếp xúc. Vì vậy, không nên lạm dụng phun hóa chất ngoài trời", ông Phu nói.
Virus lây theo hình thức giọt bắn và không khí trong môi trường kín, qua đường hô hấp do tiếp xúc người với người khi đứng gần. Ngoài ra, các vật dụng do người nhiễm bệnh thở, ho, hắt hơi bắn vào... cũng có dính virus, nếu người khác chạm vào rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ bị lây nhiễm. Các vật dụng dễ làm lây nhiễm là tay nắm cửa, điện thoại... "Vì vậy, nguyên tắc cơ bản khi khử khuẩn nơi có ca nhiễm Covid-19 là lau sạch bề mặt các vật dụng", PGS Trần Đắc Phu khuyến nghị.
Những nơi không thể lau được như chợ, trường học, bệnh viện, sảnh chung cư, xe vận tải... thì chỉ phun bên trong hoặc phạm vi hẹp. Để phòng chống dịch bệnh, các gia đình nên thường xuyên lau nền nhà, mặt bàn ghế, tay nắm cửa, điện thoại, vật dụng nhiều người tiếp xúc. Người dân có thể lau bằng cồn hoặc nước sát khuẩn thông thường.
Hôm 2/8, Bộ Y tế có văn bản đề nghị các tỉnh, thành không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt nCoV ở ngoài trời. Bộ Cũng đề nghị "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".
Trước đó cuối tháng 7/2021, lực lượng chức năng huy động 24 xe đặc chủng và chuyên dụng phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ quận, huyện tại TP HCM. Hóa chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%. Toàn bộ số hóa chất để phun khoảng 6 tấn.
Cách đây hơn một tuần, 15 phương tiện cùng 180 cán bộ, chiến sĩ phun khử khuẩn tại 7, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.