Đinh Đình Khánh, giáo sư ĐH Bắc Kinh kể ông và vợ từng là sinh viên xuất sắc của ĐH Thanh Hoa - một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, con gái họ thường đứng bét lớp về thành tích học tập. Mỗi tối khi cô bé làm bài tập về nhà, gia đình ba người như rơi vào cuộc chiến.
Sau cùng ông Đinh và vợ thừa nhận không có biện pháp nào để cải thiện thành tích của con và tự an ủi rằng có những đứa trẻ sinh ra không dành cho việc học giỏi.
"Sau này tôi nhận ra, việc sử dụng tiêu chuẩn học giỏi, điểm số cao để đo lường và định hình một đứa trẻ là sai lầm. Thay vì nhìn vào nhược điểm con học kém, phụ huynh có thể tìm ra ưu điểm của trẻ và dạy chúng trở thành người có nhân cách tốt", vị giáo sư chia sẻ.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc có bài viết của một người mẹ tên Phàm Tiểu Tây rằng: "Con trai tôi có phải đồ bỏ đi?".
Cô cho biết mình là thạc sĩ trong khi chồng là tiến sĩ. Hai người đều tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu trong nước. Nhưng thành tích học tập của cậu con trai duy nhất rất tệ.
Cô Phàm cho cậu bé học thêm, thuê gia sư riêng nhưng điểm số vẫn không cải thiện. Sau một thời gian dài cố gắng nhưng không có kết quả, người mẹ nhận ra bố mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ cũng không thể dạy con trở nên xuất sắc. "Tôi cho rằng bản chất của việc học là giúp con có khả năng tự nuôi sống bản thân và là người có ích cho xã hội sau này", Phàm Tiểu Tây nói.
Người mẹ nhận thấy ưu điểm của con trai là chăm chỉ, tốt bụng. Cậu không giỏi Toán nhưng thích nấu ăn. Tiếng Anh không tốt nhưng lại có trái tim nhân hậu. Tiếng Trung thành tích tệ, viết văn không hay nhưng lại hiếu thảo và hiểu được sự vất vả của bố mẹ.
"Từ ưu điểm này, tôi nghĩ sau này con trai có thể nuôi sống được bản thân. Vậy tại sao lại thêm lo lắng việc con học giỏi hay không", người mẹ nói.
Nhà giáo dục học nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh Thái Nguyên Bồi từng nói nuôi dạy một đứa trẻ có nhân cách tốt, lòng nhân ái và tính trách nhiệm còn quan trọng hơn việc được nhận vào trường đại học danh tiếng.
Theo ông, điều quyết định cuộc đời một đứa trẻ không phải là thành tích học tập mà là sự trau dồi nhân cách lành mạnh. Nhiều phụ huynh chỉ muốn gửi con đến những trường danh tiếng với mục đích nuôi dạy con có thành tích học tập xuất sắc. Nhưng thành tích chỉ là tạm thời, tính cách tốt mới là "tấm danh thiếp" theo suốt cuộc đời trẻ.
Giáo sư tâm lý học Long Bình của Đại học Thanh Hoa có ba người con. Người con cả hiện là một luật sư nổi tiếng. Con thứ hai đang học lớp 11 cũng nằm trong những học sinh tiêu biểu của trường. Chỉ có cô con gái út học lớp 5, điểm số rất lộn xộn.
Vị giáo sư kể, có lần nhận được phản ánh từ hiệu trưởng về điểm số của con ngày càng kém. Tuy vậy, ông không lo lắng, ngược lại còn trả lời tự tin: "Tôi nghĩ con bé sau này có triển vọng hơn các anh chị của nó".
Người cha nhận thấy con gái không chỉ có tính cách vui vẻ mà còn thích vẽ, giáo viên mỹ thuật thường xuyên khen ngợi .Vì vậy, ông tập trung bồi dưỡng năng khiếu cho con và mong muốn cô bé sẽ đi theo con đường nghệ thuật trong tương lai.
"Mọi đứa trẻ đều là thiên tài, nhưng 90% bị người lớn định hướng chưa đúng", giáo sư Long Bình nói.
Theo ông, trẻ em giống như những cái cây, có nhiều giống loài, thời kỳ ra hoa cũng như phương pháp chăm sóc khác nhau. Sự tôn trọng lớn nhất với chúng là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt và tạo điều kiện "cho cây nở hoa".
Ông cũng khẳng định điểm số chỉ thể hiện một khía cạnh mà không thể hiện mọi mặt của trẻ. Vì vậy, kết quả môn học chắc chắn không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá một đứa trẻ.
"Hãy nhìn nhiều hơn vào những phẩm chất của trẻ, tôn trọng những nét riêng, đánh giá và ghi nhận trẻ. Có thể trong tương lai trẻ không thể trở thành nhà lãnh đạo, cũng không thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng nếu có thể sống một cuộc đời khỏe mạnh, hạnh phúc và suôn sẻ thì điều đó cũng đã trọn vẹn rồi", vị giáo sư nói.
Wallach là một trong những hiệu ứng ảnh hưởng đến tâm lý con người, nói về việc ai cũng có thể là thiên tài nếu tìm được điểm xuất phát dành cho mình.
Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện của nhà hóa học từng đoạt giải Nobel tên Otto Wallach. Khi ông lên cấp hai, bố mẹ vì muốn con trai theo văn chương nhưng kết quả bị cô giáo phủ nhận, nhận xét ông khó trở thành nhà văn. Cha mẹ lại yêu cầu ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu, nhưng Otto Wallach rất tệ trong khoản đánh bóng và bố cục nên kết quả không như ý. Nhiều giáo viên cho rằng sẽ không còn hy vọng với một học sinh vụng về như ông.
Tuy nhiên, một giáo viên dạy hóa học lại cho rằng, Otto Wallach là người tỉ mỉ trong công việc, có tố chất làm thí nghiệm vì sự cẩn thận và quan sát chi tiết. Khi tìm được lĩnh vực phù hợp để phát triển, ông trở thành nhà khoa học gặt hái được nhiều thành công.
"Hiệu ứng Wallach" cho thấy trí thông minh của mỗi người không đồng đều. Không phải ai cũng may mắn có xuất phát điểm như mơ và được vạch sẵn đường đi từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Chỉ khi ta tìm được điểm xuất phát tốt ở phương diện phù hợp, mới có thể phát huy được trí thông minh và điểm mạnh của mình. Đồng thời, khi trí thông minh đó được thể hiện đúng chỗ sẽ đạt được kết quả đáng kinh ngạc.
Trang Vy (Theo zhihu)