Theo bảng xếp hạng của THE, Đại học Harvard đã 11 năm liên tiếp dẫn đầu danh sách các đại học danh tiếng nhất thế giới. Để giành một suất vào trường, sinh viên phải trải qua quá trình cạnh tranh khốc liệt. Harvard cũng đứng đầu top các đại học khó vào nhất nước Mỹ, với tỷ lệ chấp nhận rất thấp. Tỷ lệ trúng tuyển mùa thu 2020 của trường là 5%, còn của đợt tuyển sinh năm nay là 3,43% - thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước việc một số lượng lớn sinh viên tiếp tục được ưu tiên trong quá trình tuyển chọn bởi các yếu tố không liên quan đến năng lực, nhiều nghi vấn đặt ra xoay quanh chất lượng và tính công bằng ở Harvard.
Nhà báo Tayo Bero, trong một bài viết trên Guardian, chỉ trích Harvard về chính sách thiên vị tầng lớp giàu có.
Bero dẫn số liệu khảo sát của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, chỉ ra tới 43% sinh viên da trắng tại Harvard không trúng tuyển dựa trên thực lực. 43% sinh viên da trắng (tức gần 20% tổng số sinh viên) vào trường theo diện "ALDC", viết tắt của Athletes (vận động viên có thành tích xuất sắc), Legacies (sinh viên kế thừa - có bố hoặc mẹ từng tốt nghiệp Harvard), Dean’s interest list (sinh viên nằm trong danh sách quan tâm của hiệu trưởng, do cha mẹ có đóng góp cho trường) và Children - con của giảng viên, nhân viên Harvard.
Cũng theo nghiên cứu, khoảng 3/4 số này sẽ không thể trúng tuyển chỉ bằng năng lực cá nhân. Những kết quả khảo sát này đã gây nên hoài nghi về tính thiếu công bằng trong tuyển sinh của Harvard, khiến Tayo Bero nhận định: 'Hóa ra, không phải mọi sinh viên Harvard đều giỏi".
Những bất cập liên quan đến đặc quyền của các sinh viên giàu và có quan hệ này một lần nữa gợi nhắc lại bê bối tuyển sinh đại học năm 2019 tại Mỹ, khi nhiều phụ huynh giàu có và quyền lực dùng tiền để đưa con cái vào các đại học danh giá như Stanford và Yale. Những người này đã chi hàng nghìn USD để thuê người làm bài thi cho con, hối lộ giám thị coi thi và các huấn luyện viên đại học (để vào theo diện vận động viên có thành tích xuất sắc). 53 người cuối cùng đã bị buộc tội trong vụ bê bối, bao gồm cả ngôi sao nổi tiếng Felicity Huffman và Lori Loughlin.
Bero nhận xét thêm: "Sự thiên vị mang tính hệ thống đối với những người giàu và có quan hệ đã luôn xuất hiện tại các trường đại học ưu tú như Harvard. Xét tuyển đại học luôn là một trò chơi có chút gian lận, trò chơi mà ở đó những người giàu có luôn nắm trong tay lợi thế đặc biệt".
Trước những chỉ trích, gần đây, nhiều trường đại học đã bỏ chế độ ưu tiên với các ứng viên kế thừa, bao gồm nhiều trường thuộc top đầu như Đại học Oxford, Viện Đại học Cambridge, Viện Công nghệ California (Caltech), Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay gần đây nhất là Đại học Amherst.
Tuy nhiên, nhiều đại học khác, bao gồm Harvard, vẫn không hề có ý định thay đổi thực trạng này. Những trường này cho rằng việc ưu tiên các sinh viên kế thừa là cần thiết để giữ cho các khoản đóng góp từ cựu sinh viên luôn ở mức cao. Giám đốc tuyển sinh của Harvard, William Fitzsimmons, đã nhiều lần bảo vệ quan điểm này trước những ý kiến trái chiều. Theo Fitzsimmons: "Việc ưu tiên sinh viên kế thừa và duy trì các nguồn lực cần thiết sẽ góp phần cho sự phát triển lâu dài của Harvard".
Năm nay, ngay cả trong bối cảnh đại dịch, quỹ tài trợ của Harvard vẫn đạt con số 53,2 tỷ USD. Trường cũng thặng dư ngân sách 283 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 vừa qua.
Không có cơ sở giáo dục đại học nào khác trên thế giới có nguồn tài chính có thể sánh với con số khổng lồ mà Harvard hiện có. Chính vì vậy, Harvard được cho là sẽ không sớm từ bỏ quy định tuyển sinh với ALDC, bất luận bị chỉ trích.
Ngọc Mai (Theo The Guardian, The Conversation)