![]() |
Khâu chăn nghệ thuật - hình thức lao động liệu pháp trong điều trị bệnh tâm thần ở Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội. |
"Từ lâu, chúng tôi đã cố gắng làm cho người dân hiểu khái niệm "mắc bệnh tâm thần" một cách rộng hơn, đầy đủ hơn, tuy nhiên 80% bệnh nhân vào viện điều trị khi đã mắc bệnh tâm thần phân liệt, nói cách khác là đã bị "điên", bác sĩ Đỗ Thuý Lan, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho VnExpress biết.
Trong y học, bệnh tâm thần được biểu hiện bằng gần 300 mã bệnh. Thông thường, bệnh có thể chia thành những mức độ từ nặng nhất đến nhẹ nhất như sau: tâm thần phân liệt (chiếm 0,7% dân số), động kinh (0,5%), rối loạn cảm xúc (5%); chậm phát triển trí tuệ (0,5%), bệnh nhân cách (0,5-1%), loạn thần do chấn thương sọ não (0,15-0,29%), rối loạn hành vi, bệnh tâm căn (10-15%)....
Do thiếu hiểu biết về sức khoẻ tâm thần, phần lớn chúng ta chỉ bắt đầu quan tâm tới các vấn đề của "đầu óc" khi rơi vào trạng thái trầm cảm, hoặc đánh đồng bệnh tâm thần với bệnh điên. Trong y học, bệnh điên có tên là bệnh tâm thần phân liệt - mức độ nặng nhất của tổn thương tâm thần. Đây là bệnh mãn tính, chưa xác định được chính xác nguyên nhân, việc chữa trị rất khó khăn mà hiệu quả cũng giới hạn, chủ yếu là kiểm soát những cơn tái phát.
Có nhiều biểu hiện của bệnh tâm thần loại nhẹ, rất dễ gặp nhưng thường bị bỏ qua do không hiểu biết. Tại công sở, một đồng nghiệp của bạn vẫn làm việc rất tốt, nhưng trong giao tiếp với mọi người anh ta "không giống ai" cả và không thể hoà nhập vào tập thể. Mọi người gọi anh ta kèm với những biệt hiệu "hâm", "có vấn đề", "lập dị"... nhưng không mấy người nghĩ rằng anh ta mắc bệnh tâm thần. Trong khi đó, y học gọi căn bệnh tâm thần này là "bệnh nhân cách".
Hầu hết chúng ta có thể đã trải qua một hoặc hai đêm mất ngủ vì lo lắng trước áp lực công việc, buồn bã, tức giận vì con cái, vợ chồng làm những điều trái ý... Mất ngủ làm cơ thể mệt mỏi, làm việc mất tập trung và kém năng suất. Tình trạng này dễ xảy ra với những người có nhân cách yếu, nói theo dân gian là người "cả nghĩ" hay "thần kinh yếu". Y học gọi đó là bệnh tâm căn, dạng tâm thần nhẹ nhất, xảy ra sau những sang chấn tâm lý (stress). Ai cũng có thể mắc bệnh này, không phân biệt lứa tuổi, trình độ hay môi trường sống. Tuy nhiên, hầu như chưa có ai đến gặp bác sĩ khi bị bệnh này.
Bệnh tâm căn nếu không được điều trị, để kéo dài có thể gây nên chứng rối loạn cảm xúc, biểu hiện thành bệnh trầm cảm hoặc hưng cảm. Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm là nguyên nhân chính của phần lớn các vụ tự sát.
Một biểu hiện của sức khoẻ tâm thần nữa mà chúng ta thường không cho là bệnh là những rối loạn trong hành vi của thanh, thiếu niên. Thấy con em mình thích quậy phá, đua xe, thậm chí thích đập phá quá mức... nhiều người vẫn chỉ cho rằng đó là biểu hiện ngông cuồng của tuổi trẻ, một thời gian nữa lớn lên sẽ hết. Đa phần các em sẽ tự điều chỉnh được tình trạng trên khi sống trong môi trường ổn định và không gặp phải những sang chấn tâm lý lớn. Tuy nhiên, những em có nhân cách yếu, lại gặp phải stress thì rất có thể bộc phát thành bệnh.
Hiện nay, gần 20% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khoẻ tâm thần (năm 1997 là khoảng 15-18%). Theo bác sĩ Đỗ Thuý Lan, điều đó cho thấy bệnh tâm thần có chiều hướng gia tăng nhưng cũng chứng tỏ người dân bắt đầu có ý thức hơn về sức khoẻ tâm thần nên số lượng người được phát hiện bệnh ngày một nhiều hơn.
Người Việt Nam nên làm quen với việc tìm đến bác sĩ tâm lý thường xuyên hơn, nhất là trong điều kiện sống gấp gáp, nhiều áp lực thời kinh tế thị trường. Khi nhận thấy mình có bất cứ một biểu hiện nào về tâm thần, dù ở mức độ nhẹ cũng nên đi khám để các bác sĩ giúp giải toả những căng thẳng hoặc điều trị bằng thuốc. Đồng thời nếu phát hiện thấy người thân mình có những dấu hiệu bất thường như mất ngủ thường xuyên, hay quên, hung dữ vô cớ, độc thoại hay cười một mình... nhất thiết phải đưa đến bệnh viện.
Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là cố gắng tạo cho mình một cuộc sống tinh thần thoải mái bằng cách san sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với người xung quanh, duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh, tránh thái quá trong lao động và nghỉ ngơi, không xáo trộn "đồng hồ sinh học" của cơ thể (ví dụ: đến giờ ngủ thì nên đi ngủ...). Quan trọng hơn cả là thay đổi quan niệm về bệnh tâm thần để làm quen với việc tìm đến bác sĩ tâm lý, mỗi khi vấp phải những "stress" khó tự mình vượt qua trong cuộc sống.
Ngọc Hà