Mới đây, ngành thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế kiểm soát dòng tiền, quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng. Đây là một trong những giải pháp, theo cơ quan thuế, kiểm soát toàn bộ giao dịch, tránh thất thu thuế.
Trước đó, góp ý sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng từng đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.
Nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế cho rằng đề xuất trên giúp tăng minh bạch thị trường vàng, nhưng không khả thi nếu áp dụng thực tế.
Chia sẻ với VnExpress, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay hiện không nước nào cấm thanh toán tiền mặt khi mua bán vàng.
"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vàng rất lớn cũng không cấm dùng tiền mặt khi mua bán. Họ chỉ khuyến khích thanh toán điện tử, dù ví điện tử, QR code rất thông dụng tại đây", ông nói. Nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia... cũng quản lý tương tự.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người mua vàng rất phong phú về độ tuổi, đối tượng (người già, người dân ở nông thôn...), họ mua để tích trữ, phòng rủi ro hoặc biếu, tặng. Lượng mua mỗi lần ít, từ nửa chỉ đến một vài chỉ vàng. "Những đối tượng này thường không nắm về công nghệ, không có điện thoại thông minh để chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt sẽ làm khó người dân", ông nói.
Ông nói thêm, thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán còn phổ biến, nên việc cấm tuyệt đối với bất kỳ mặt hàng nào, gồm vàng, đều không khả thi. "Việc này chỉ phù hợp với nhà đầu tư, mua số lượng lớn", ông bình luận, cho rằng quy định thanh toán online với giao dịch từ 1 lượng vàng trở lên sẽ khả thi hơn.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng quy định này chỉ phù hợp với người mua số lượng vàng lớn hay vàng miếng SJC. Còn mua nhỏ lẻ, một chỉ nhẫn trơn hay vàng nữ trang, sẽ khó thực hiện.
Ông Khánh dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế, cả nước có hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng bạc sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử. Theo ông, người tiêu dùng khi mua hàng nên lấy hóa đơn, nhưng bắt buộc không dùng tiền mặt sẽ ảnh hưởng lớn với họ, đặc biệt từ 50 tuổi trở lên, hay nơi các phương thức thanh toán hiện đại chưa phát triển.
Hơn nữa, theo vị này, buôn bán vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện. Giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch vàng là mâu thuẫn.
Dưới góc nhìn về thuế, thanh toán không tiền mặt sẽ giúp quản lý thu nộp thuế, cũng như điều hành vĩ mô của Nhà nước thuận tiện, minh bạch hơn.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng điều này cũng cần thiết khi cơ quan quản lý hiện không kiểm soát được số lượng, giao dịch mua bán vàng trong dân.
Thực tế, doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc chủ yếu trong hai lĩnh vực là vàng miếng và trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng quy mô về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Còn cơ sở buôn bán vàng trang sức, mỹ nghệ đăng ký kinh doanh theo giấy phép thành lập doanh nghiệp và đáp ứng một số quy định về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Phần lớn người dân khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ không lấy hóa đơn, dẫn tới khó khăn cho ngành thuế trong kiểm soát giao dịch.
Theo Luật Quản lý thuế, thanh toán trực tuyến áp dụng với tổ chức khi giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên, để họ được khấu trừ, tính vào chi phí và chưa áp dụng với vàng. Do đó, nếu hạn chế tiền mặt khi mua bán vàng, ông Được cho rằng cần sự vào cuộc từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Lo ngại vấn đề hạ tầng, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhưng theo ông "đây là số ít bị thiệt thòi, chính sách này nên thực hiện để đạt mục tiêu lớn hơn trong quản lý, điều hành".
Tuy vậy, theo các chuyên gia, cấm dùng tiền mặt khi mua bán vàng sẽ không có nhiều tác động tới thị trường, tức không khiến vàng bình ổn hay giá giảm xuống. Thậm chí, ông Huỳnh Trung Khánh nói nếu bị kiểm soát, giao dịch vàng sẽ đi "ngầm". Còn chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh lo ngại chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới không giải quyết được nếu áp dụng giải pháp này.
Ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị cơ quan quản lý cần có khảo sát thực tế về tình hình giao dịch mua bán vàng thời gian qua trước khi quyết định có thực hiện hay không. Nếu kết quả 90% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, quy định này khả thi, không ảnh hưởng tới thị trường. Còn trường hợp tỷ lệ là 50/50 giữa thanh toán chuyển khoản và tiền mặt, nhà chức trách cần có lộ trình áp dụng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) góp ý hình thức chuyển khoản, thanh toán trực tuyến nên áp dụng khi mua số lượng vàng lớn. Còn lượng ít, nhỏ lẻ thì vẫn giao dịch tiền mặt.
Phương Dung