Từ ngày 25/11, các ngân hàng thương mại sẽ phải chấm dứt huy động vàng. Theo các chuyên gia kinh tế, sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên vội tìm cách huy động vàng trong dân.
Ngân hàng “chết” vì “vàng giấy”
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa có báo cáo đánh giá về kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra một số kiến nghị cho công tác điều hành kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, Ủy ban này cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25/11/2012 – thời điểm các ngân hàng thương mại phải chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Đồng thời, NHNN cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế…
Theo dự kiến ban đầu của NHNN, quý II/2012, cơ quan này trình Đề án huy động vàng trong dân lên Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, Đề án này vẫn chưa hoàn thành. Một lãnh đạo cấp cao của NHNN cho biết: “Đây là đề án vô cùng phức tạp, vô cùng nhạy cảm và động chạm, nên khó hoàn thành trong năm nay”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN chậm trễ trong ban hành Đề án huy động vàng trong dân là may mắn, bởi việc nôn nóng huy động vàng sẽ khiến cả nền kinh tế gặp nguy.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Hậu quả nặng nề mà các ngân hàng phải gánh chịu hiện nay chính là do tình trạng huy động ‘vàng giấy’ trước đây gây ra. Trước đây, khi khách hàng đến gửi tiền, một số ngân hàng đã quy đổi tiền đồng ra vàng để trả lãi suất thấp, lấy tiền đồng cho vay. Song khi đáo hạn, các ngân hàng này phải trả vàng cho khách hàng. Hậu quả là, giá vàng nay đã tăng gấp mấy lần và các ngân hàng huy động vốn kiểu này đã phải gánh hậu quả nặng nề”.
Trong khi đó, nợ xấu từ vàng của các ngân hàng tăng cao, một phần vì những năm trước đây, nhiều ngân hàng đua nhau cho vay bằng vàng để khách hàng đầu tư bất động sản. Đến nay, khi thị trường bất động sản đi xuống, giá vàng tăng cao, nhiều khách hàng bị mất khả năng trả nợ, nên một lượng lớn vốn cho vay vàng của các ngân hàng đã biến thành nợ xấu, kẹt trong bất động sản.
Trước tình trạng này, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, để ổn định thị trường, NHNN nên gia hạn thời gian cho các ngân hàng đóng trạng thái, nhằm giúp họ từ từ mua vàng vào để giảm áp lực lên nguồn cung vàng.
Tuy vậy, cũng có chuyên gia tài chính cho rằng, không nên quá nuông chiều ngân hàng. Thời gian qua, dù NHNN đã nhiều lần gia hạn cho các ngân hàng thương mại huy động vàng, song các ngân hàng vẫn chây ỳ. Thậm chí, một lượng lớn vàng huy động đã bị nhiều ngân hàng liều lĩnh chuyển sang tiền đồng để bù đắp thanh khoản.
Huy động vàng để cho vay là tự sát
Trong khi NHNN chưa đưa ra phương án nào về huy động vàng sau thời điểm 25/11, thì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải cấm hẳn việc ngân hàng huy động vàng để cho vay.
“NHNN không nên vội vã huy động vàng trong dân, khi chưa trả lời được câu hỏi huy động vàng để làm gì. Điều tối kỵ là huy động vàng, sau đó đem quy đổi ra tiền để cho vay, vì nếu làm như vậy, khi giá vàng lên thì các ngân hàng sẽ chết”, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí nói.
TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, để huy động được nguồn vốn vàng lớn trong dân, NHNN có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng, song cần cấm tuyệt đối việc cho vay vàng hoặc chuyển đổi vàng sang tiền đồng để cho vay. “Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại có thể sử dụng số vàng này, chiết khấu với NHNN để vay tiền đồng. Như vậy, số vàng đó vẫn được bảo đảm để chi trả cho người dân”, ông Lịch nói.
Theo Đầu Tư