![]() |
Cần luyện tập theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn. |
Nhiều người đã tìm mua sách hướng dẫn để tự tập luyện, với hy vọng phòng chữa bệnh cho chính mình... Theo bác sĩ Lê Hùng, Trưởng Khoa Huấn luyện, Viện Y dược học dân tộc TP HCM (YDHDT), việc tự tập luyện theo sách như vậy rất nguy hiểm vì không phải phương pháp nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Hơn nữa, mỗi phương pháp đều có những chỉ định và chống chỉ định riêng. Chẳng hạn phương pháp dưỡng sinh có một số tư thế không thể đem áp dụng cho người bị bệnh tim mạch. Phương pháp hatha yoga có tư thế "trồng chuối", "cái cày" không bao giờ được sử dụng cho người cao huyết áp. Những bệnh nhân đang bị viêm khớp nặng cũng không thể tập luyện thái cực quyền. Tất cả những chống chỉ định ở mỗi phương pháp sẽ được bác sĩ, huấn luyện viên hướng dẫn trình bày rất cặn kẽ trong các lớp học. Đặc biệt, đối với các phương pháp vận khí, dẫn khí... để khai thông các nguồn năng lượng, nếu tập không đúng cách và không có thầy hướng dẫn, người tập có thể sẽ bị đau nhức cơ thể, nhức đầu, mất ngủ, tinh thần có chiều hướng sa sút, rối loạn nhân cách... Vì vậy, việc luyện tập nhất thiết phải có người hướng dẫn.
Nên tập luyện theo phương pháp nào, ở đâu?
Bác sĩ Hùng cho biết, hiện Viện YDHDT đang giảng dạy cho sinh viên, học viên trong nước và nước ngoài về 3 phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả, gồm phương pháp dưỡng sinh của bác sĩ Nguyên Văn Hưởng (gọi tắt là dưỡng sinh), hatha yoga và thái cực quyền. Theo nguyên lý của y học cổ truyền phương Đông, nguyên nhân gây bệnh là do khí huyết lưu thông không được thông suốt. Từ nguyên lý đó, cả ba phương pháp trên đều có những bài tập giúp cho khí huyết cơ thể ở người bình thường lưu thông tốt hơn và khai thông những bế tắc của người bị bệnh, giúp họ khoẻ lại.
Ví dụ, với những bệnh nhân bị đau lưng thì phương pháp dưỡng sinh có bài tập vận động ở vùng lưng (trừ những trường hợp có chỉ định ngoại khoa), làm mềm dẻo cột sống, hết đau lưng. Phương pháp hatha yoga có những tư thế, động tác (asana) làm khai thông tắc nghẽn, như tư thế "cái cày" làm vận động toàn bộ cột sống và các tuyến, giúp cơ thể điều hoà, điều chỉnh những rối loạn toàn thân, cột sống. Còn phương pháp thái cực quyền có động tác chuyển động đều đặn, liên tục, nhẹ nhàng, kết hợp thân - ý - khí, làm thư giãn toàn bộ tinh thần, cơ xương khớp, điều hoà và điều chỉnh chức năng của các cơ quan nội tạng, rất tốt trong phòng và điều trị bệnh.
Hiện nay, Viện YDHDT, Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, câu lạc bộ dưỡng sinh các quận, huyện đều có hướng dẫn tập luyện các phương pháp này. Riêng ở viện YDHDT, sau khi ghi danh, học viên sẽ được bác sĩ khám về lâm sàng, cho làm các xét nghiệm, thăm dò một số chức năng về sinh lý để lập một bệnh án hoàn chỉnh. Từ đó bác sĩ sẽ đề ra chương trình và phương pháp tập luyện thích hợp cho từng đối tượng. Theo bác sĩ Hùng, nên tập luyện mỗi ngày vào buổi sáng, tuỳ theo phương pháp mà thời gian tập luyện khác nhau (khoảng 30-60 phút). Sau thời gian học hai tháng (mỗi tuần 3 buổi), bệnh nhân có thể tự tập luyện ở nhà.
Bác sĩ Hùng cho biết, ngoài 3 phương pháp nói trên, Viện không phủ định những phương pháp khác nhưng cho đến nay chưa thấy có trường hợp nào chứng tỏ rằng chúng có hiệu quả rõ ràng.
Tuổi Trẻ, 3/7