Người gửi: Văn Minh
Khoa học công nghệ chỉ là các giải pháp sản xuất, mục đích là để sản phẩm ngày càng được tạo ra với chi phí thấp hơn, năng suất và chất lượng cao hơn. KH&CN sẽ không còn ý nghĩa nếu nó không thể tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dù có thể trình độ đó là không tồi.
Ví dụ, Liên bang Nga hoàn toàn có khả năng sản xuất máy bay chở khách, thực tế họ đã có hàng chục năm kinh nghiệm nhưng sản phẩm của họ không cạnh tranh nổi với Boeing, Airbus, cho nên ngay cả hãng hàng không Nga cũng không dùng máy bay Nga. Rõ ràng công nghệ máy bay chở khách của Nga không phát huy được hiệu quả kinh tế, dù ở trình độ cao. Như vậy, tính cạnh tranh của sản phẩm mới là cốt lõi của vấn đề.
Quay lại trường hợp Việt Nam. Là nước đi sau về KH&CN lại nghèo trong khi các nước trên thế giới đã có truyền thống KH&CN hàng chục, hàng trăm năm với mọi điều kiện tốt hơn nhiều. Rõ ràng, dù muốn cách mấy, chúng ta cũng phải mất rất, rất lâu mới có thể theo kịp các tiến bộ trên thế giới, chưa nói đến chuyện cạnh tranh với họ.
Chẳng lẽ bỏ thật nhiều tiền nhiều công ra chỉ để suốt ngày theo đuôi thế giới, không tạo ra giá trị kinh tế, để nhiều mảng khác của đất nước cần chất xám ứng dụng lại không có?
Bối cảnh và thực tế đó nói lên hai điều:
- Một là, Việt Nam chỉ có thể tập trung vào một lĩnh vực KH&CN mới (vì chưa nhiều người có kinh nghiệm), rất hẹp để phát triển, với hy vọng có thể có tính cạnh tranh với thế giới. Khi tập trung vào lĩnh vực này, ta phải nhìn thấy khả năng ứng dụng lâu dài và hiệu quả kinh tế; đồng thời, nhà nước phải đảm bảo có đủ quyết tâm để các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện, đãi ngộ nghiên cứu không kém các nước khác. Có như vậy mới có cơ may thành công, mới quy tụ được người giỏi nhất.
- Hai là, đa số nhân lực khoa học nên quay sang lĩnh vực học và ứng dụng phát minh sáng chế, khoa học công nghệ của thế giới, để có thể ứng dụng các thành tựu KH&CN đã có trong sản xuất một cách hiệu quả, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh. Không nên đầu tư vào nghiên cứu KH&CN, nhất là khoa học cơ bản - đơn giản là chúng ta không có cơ hội cạnh tranh với các nước khác.
Tóm lại, khoa học không thể chỉ vì khoa học. Khoa học là công cụ để sản xuất hiệu quả cạnh tranh hơn. Vì thế, nhà nước cần tập trung hỗ trợ để đội ngũ khoa học có điều kiện tiếp xúc, ứng dụng, và cải tiến các công nghệ sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, chứ không phải bỏ tiền vào các nghiên cứu mang tính hàn lâm, không có ý nghĩa ứng dụng ở Việt Nam.