Ở các nước châu Âu cũng có hình thức "đào tạo tại chức" và cũng không có sự phân biệt giữa bằng cấp chính quy. Các hình thức đào tạo gồm: Đào tạo từ xa (học tại nhà và mua tài liệu, băng đĩa hướng dẫn của trường), vừa làm vừa học (làm để tích lũy học phí, tích lũy đủ thì học tiếp), đào tạo văn bằng 2 (đã có một bằng đại học, muốn học thêm một bằng nữa).
Họ không phân biệt vì hệ đào tạo nào cũng phải học và thi như nhau, chỉ khác nhau ở thời gian học có liên tục hay không. Với thời gian học không liên tục, họ chia chương trình đào tạo thành nhiều tín chỉ, cứ lấy đủ số lượng tín chỉ thì tốt nghiệp, không quan tâm học bao lâu, thi lại bao nhiêu lần.
Ở nước ta, để học đại học chính quy cần phải thi, cần đủ điểm chuẩn... Thế nhưng đào tạo tại chức lại không hề giới hạn số lượng. Vậy là sao?
Tôi có đủ cả 2 văn bằng chính quy và không chính quy. Tôi phải học thêm văn bằng 2 vì yêu cầu công việc – lên chức và quản lý hàng trăm nhân viên. Chuyên môn của văn bằng chính quy thì không có gì để bàn nhưng kinh nghiệm quản lý hàng trăm nhân viên là con số 0. Tôi có suy nghĩ không thầy đố mày làm nên, không có kinh nghiệm thì phải xách cặp đi học.
Ai dạy, ai học dễ dãi thế nào kệ họ, tôi cho rằng cái gì xảy ra trong thực tế mà không nghĩ ra được biện pháp giải quyết thì cứ hỏi tới nơi tới chốn. Nhiều câu hỏi giảng viên không trả lời được ngay, cả thầy và trò lại ra quán cà phê tranh luận hết hơi cả buổi. Từ kinh nghiệm ứng dụng bằng tại chức của bản thân, tôi nghiệm ra vài điều.
(Xem thêm: Tốt nghiệp ĐH không dám nhận lương khởi điểm 100 triệu đồng)
Thứ nhất: Tri thức không phân biệt chính quy hay không chính quy. Anh có tri thức mà không biết áp dụng hay không có điều kiện để áp dụng thì cũng gần như không có tri thức. Đây gần như là đặc điểm cố hữu của mọi cơ quan nhà nước nói chung. Họ tuyển dụng nhân viên có bằng đại học nhưng hầu như không quan tâm chuyên ngành của tấm bằng. Cũng là bằng kinh tế, nhưng quản trị, kế toán, tổ chức sản xuất, tiếp thị... là những chuyên ngành khác nhau. Bảo người học chuyên ngành này đi làm công việc không liên quan đến chuyên môn làm sao "có chất lượng" ?
Thứ hai: Tri thức đại học chỉ là nền tảng, có thể áp dụng ở mọi nơi nói chung. Tuy nhiên, thực tế từng nơi phải có phương pháp vận dụng riêng sao cho phù hợp. Để đề ra được phương pháp vận dụng riêng này, người ta phải có quá trình làm việc ít nhất 6 tháng (quen việc, quen người, quen đặc thù ngành hàng, quen tình huống phát sinh...). Theo kịp, nắm bắt được công việc hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Thứ ba: Bổ nhiệm nhân sự không đúng chuyên môn không phải là lỗi của phòng nhân sự. Họ chỉ phụ trách khâu tuyển dụng và quản lý mọi nhân viên bằng biện pháp hành chính. Họ không có quyền giao cho ai công việc gì, vì đó là việc, quyền hạn của giám đốc, trưởng phòng phụ trách chuyên môn, nhóm trưởng nghiệp vụ.
Tôi có 10 năm làm việc cho một công ty nhà nước, 15 năm làm việc cho công ty tư nhân. Công ty nhà nước bổ nhiệm người không đúng chuyên môn. Công ty tư nhân nhỏ thì bắt người ta phải "đa năng" việc gì cũng phải biết. Chỉ có công ty tư nhân lớn mới có sự bổ nhiệm chính xác.
Tóm lại, bằng (hệ đào tạo) nào cũng như nhau, tùy theo thái độ của người học. Học chính quy mà thái độ học không tốt thì còn không bằng "tại chức" mà có thái độ học tốt. Giá trị của tấm bằng còn phụ thuộc vào việc bổ nhiệm nhân sự có đúng chuyên môn hay không. Người ta hơn nhau ở kinh nghiệm, năng lực chứ không phải ở tấm bằng. Tấm bằng chỉ là điểm xuất phát, ai về đích trước (thành đạt) còn tùy thuộc vào việc anh vận dụng nó như nào.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.