From:
To: luatcanhtranh@vnexpress.net
Sent: Thursday, July 03, 2003 9:23 PM
Subject: Trao doi voi ban Dai
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của 2 bạn khi cho rằng: khả năng tòa án Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài là hoàn toàn thực tế. Chính vì thế, việc xây dựng pháp luật phải lường trước và lập ra quy phạm pháp luật để xử lý. Ở đây tôi dùng thuật ngữ “vụ kiện về cạnh tranh” để bao quát cả các vụ kiện về “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”, “lạm dụng vị trí thống lĩnh” và “cạnh tranh không lành mạnh” chứ không chỉ gồm các vụ kiện về “cạnh tranh không lành mạnh”.
VnExpress đang tập hợp ý kiến của doanh nghiệp về dự án Luật Cạnh tranh. Bạn đọc nhấn vào đây để gửi thư, hoặc tới địa chỉ luatcanhtranh@vnexpress.net |
Những vấn đề mà các bạn nêu ra trong mấy bài tranh luận gần đây thực chất là 2 vấn đề quan trọng hàng đầu trong tư pháp quốc tế: (1) xác định thẩm quyền quốc tế của tòa án Việt Nam đối với các vụ kiện có yếu tố nước ngoài (câu hỏi về “thẩm quyền”); và (2) xác định quy phạm xung đột để giải quyết vụ kiện có yếu tố nước ngoài (câu hỏi về “chọn luật áp dụng”).
Cần khẳng định rằng “thẩm quyền” và “chọn luật áp dụng” là hai câu hỏi hoàn toàn khác nhau và dựa vào hai nhóm quy phạm khác nhau.
Khi có một vụ kiện được đưa ra trước tòa án Việt Nam thì câu hỏi đầu tiên mà tòa phải trả lời chưa phải là “liệu pháp luật Việt Nam (quy phạm luật nội dung) có được áp dụng cho tranh chấp này không?” (tức là chưa phải là câu hỏi về “chọn luật áp dụng”), mà phải là “liệu tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này không?” (tức là câu hỏi về “thẩm quyền”).
Chỉ khi nào giải quyết xong câu hỏi đầu tiên (câu hỏi về “thẩm quyền”) với kết quả trả lời là “có” tức là “tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ kiện” thì câu hỏi thứ 2 mới được đặt ra: “căn cứ vào các quy phạm xung đột pháp luật của Việt Nam thì hệ thống pháp luật nước nào (Việt Nam hay nước ngoài) sẽ được áp dụng để giải quyết vụ kiện?”. Trả lời được câu hỏi thứ nhất là “có” rồi thì các quy định về quy phạm xung đột mới có cơ hội tác dụng (tức là mới được tòa án Việt Nam sử dụng). Chính vì vậy, ngay cả khi Luật Cạnh tranh có đưa quy phạm xung đột pháp luật vào trong các điều khoản của mình thì điều đó cũng không có nghĩa rằng tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài.
1. Thẩm quyền quốc tế của tòa án Việt Nam đối với các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài
Trong thực tiễn, vấn đề “thẩm quyền” thường được điều chỉnh trong các văn bản tố tụng. Hai văn bản có hiệu lực hiện hành là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Tuy nhiên, các quy định trong 2 pháp lệnh này đều chưa cụ thể và rõ ràng, kể cả quy tắc xác định thẩm quyền quốc tế của tòa án Việt Nam đối với các vụ kiện dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Ở một số nước Common Law (như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada) quy tắc xác định thẩm quyền quốc tế thường không được quy định cụ thể trong luật thành văn mà chỉ tồn tại dưới dạng án lệ của tòa. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia theo truyền thống luật châu Âu-lục địa (Civil Law), có Bộ luật Tố tụng dân sự từ hàng trăm năm trước đây, có lịch sử tham gia quan hệ dân sự, thương mại tương đối phong phú, nhưng quy tắc xác định thẩm quyền quốc tế của tòa án nước này cũng chỉ tồn tại dưới dạng án lệ. Theo các án lệ đó, khi quyết định chấp nhận thụ lý một vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tòa phải cân nhắc tới nhiều yếu tố của vụ kiện như: (1) mối liên hệ (về nhân thân hoặc tài sản) của các đương sự với quốc gia có tòa án đang xem xét vụ việc; (2) nơi xảy ra hành vi pháp lý hoặc nơi xảy ra hậu quả của hành vi pháp lý (nơi ký hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng, nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại, nơi hậu quả của hành vi gây thiệt hại xảy ra) để xem xét khả năng thu thập, kiểm tra các chứng cứ một cách nhanh chóng; (3) khả năng thực thi phán quyết của tòa án tại quốc gia đó. Tòa án phải đánh giá và cân nhắc tất cả các yếu tố này để quyết định xem nếu thụ lý vụ việc thì có phải là giải pháp công bằng đối với các bên hay không.
Khi tòa thấy rằng nếu để vụ việc cho tòa án quốc gia khác xử lý thì việc giải quyết vụ việc sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, công bằng hơn đối với các bên thì tòa án nên khước từ thụ lý. Các quốc gia thuộc hệ thống Common Law thường dựa vào học thuyết “forum non conveniens” (có thể dịch nôm na là “việc thụ lý vụ kiện sẽ gặp nhiều bất tiện”) để khước từ thụ lý vụ việc khi mà tòa án quốc gia này cho rằng vụ việc nên để tòa án ở quốc gia khác thụ lý thì thuận tiện, công bằng hơn. Nhật Bản cũng có một học thuyết gọi là “special circumstances” (có thể tạm dịch là “các trường hợp đặc biệt để khước từ thẩm quyền”) với nội dung tương đối giống với học thuyết “forum non conveniens”.
Nếu so kinh nghiệm nước ngoài nêu trên, ta có thế thấy hướng dẫn về việc không thụ lý đối với các vụ kiện mà việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài nêu tại phần III-4-c, Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 7/1/1995 của TAND Tối cao và VKSND Tối cao có nội dung tương đối hẹp và không linh hoạt. Đành rằng có thể hướng dẫn này xuất phát từ thực tiễn là khả năng xác định chứng cứ đang tồn tại ở nước ngoài của các tòa án Việt Nam hiện rất khó khăn, nhưng việc nói “không” một cách quá tuyệt đối (nếu không muốn nói là quá cứng nhắc) về việc xác định thẩm quyền của tòa như hướng dẫn này có thể sẽ bó tay chính tòa án Việt Nam khi cần bảo vệ quyền lợi cho các đương sự trong các vụ kiện có yếu tố nước ngoài.
Quay trở lại vấn đề vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài, tôi chỉ bàn tới các vụ kiện về cạnh tranh gây ảnh hưởng tới thị trường nước ngoài chứ không bàn tới các vụ việc cạnh tranh gây ảnh hưởng trên thị trường Việt Nam. Bởi trong các vụ kiện về cạnh tranh gây ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam thì đúng như bạn Đại đã phân tích chúng ta sẽ có cơ sở để áp dụng Luật Cạnh tranh Việt Nam.
Tôi rất tán đồng với những lập luận của bạn Đại về việc nên chọn luật của quốc gia nơi có thị trường bị ảnh hưởng bởi hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp để áp dụng chứ không phải lúc nào cũng là luật Việt Nam (trừ trường hợp bảo lưu trật tự công cộng khi áp dụng luật nước ngoài tại tòa án Việt Nam). Theo bạn Huyên cho biết thì đây cũng là khuynh hướng chung trong pháp luật của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, vấn đề tòa án Việt Nam có nên thụ lý để giải quyết các vụ kiện về hành vi gây ảnh hưởng tới cạnh tranh trên thị trường nước ngoài hay không thì tôi không đồng ý với quan điểm của bạn Đại.
Phải khẳng định rằng bạn Đại đã rất có lý khi cho rằng đối với các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài thuộc loại “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” và “lạm dụng vị trí thống lĩnh”, để xác định có hay không có hành vi này phải xét đến yếu tố “gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường liên quan” trong khi đó đối với các vụ việc về “cạnh tranh không lành mạnh”, yếu tố “gây hạn chế một cách đáng kể trên thị trường liên quan” thường không là yếu tố bắt buộc. Bạn Đại cũng rất có lý khi cho rằng việc xác định yếu tố “gây hạn chế một cách đáng kể trên thị trường liên quan” là một vấn đề vô cùng phức tạp (bởi phải làm rất nhiều công việc phức tạp như xác định thị trường liên quan, xác định thị phần, xác định các rào cản khi gia nhập thị trường) nhất là đối tượng xác định lại là thị trường nước ngoài. Nếu bắt tòa án Việt Nam phải trực tiếp thực hiện công việc này thì dứt khoát phải khẳng định rằng đây là chuyện không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong nhiều trường hợp, vụ kiện liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường nước ngoài trước tòa án Việt Nam không hẳn luôn đòi hỏi tòa án Việt Nam làm những công việc quá khó khăn, vượt ngoài khả năng của mình. Ví dụ, nếu như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó đã được cơ quan quản lý cạnh tranh ở nước ngoài miễn trừ (tức là được pháp luật quốc gia đó công nhận là hợp pháp: chẳng hạn thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh) thì lúc đó khi các bên có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ liên quan đến thỏa thuận này khởi kiện trước tòa án Việt Nam, tòa sẽ không cần phải xác định yếu tố “gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường liên quan” mà chỉ coi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này giống như một hợp đồng thông thường và việc giải quyết tranh chấp sẽ giống như giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài khác.
Chính vì vậy, tôi không đồng ý khi bạn Đại cho rằng trong câu hỏi về “thẩm quyền” của tòa án Việt Nam đối với các vụ kiện về cạnh tranh diễn ra trên thị trường nước ngoài, tòa án nên nói “không” với hai loại vụ kiện (về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở thị trường nước ngoài và lạm dụng vị trí thống lĩnh ở thị trường nước ngoài) và chỉ chấp nhận giải quyết đối với các vụ kiện về “cạnh tranh không lành mạnh”. Tôi cho rằng giải pháp chỉ nói “không” hoặc “có” một cách dứt khoát như vậy có thể là sự trói buộc một cách không cần thiết đối với tòa án Việt Nam khi các đương sự có yêu cầu giải quyết các tranh chấp về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là vấn đề thuộc công việc của ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng dân sự hơn là vấn đề của ban soạn thảo Luật Cạnh tranh.
2. Nên hay không nên đưa quy phạm giải quyết xung đột pháp luật vào Luật Cạnh tranh
Có lẽ đây là vấn đề tranh luận chính giữa bạn Đại, bạn Huyên và ông Trương Quang Hoài Nam. Câu trả lời rất rõ ràng từ phía bạn Đại là nên đưa quy phạm xung đột vào Luật Cạnh tranh.
Bạn Đại hoàn toàn có lý khi phân tích các quy định giải quyết xung đột pháp luật trong Bộ luật Dân sự và khẳng định rằng nội dung các quy phạm xung đột trong Bộ luật Dân sự không phù hợp khi áp dụng vào việc giải quyết các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đưa quy phạm nào vào văn bản cụ thể nào (vào Luật Cạnh tranh hay Bộ luật Dân sự hay đạo luật nào khác) thì có lẽ cần trao đổi thêm.
Chúng ta phải khẳng định rằng quy phạm xung đột pháp luật về cạnh tranh cũng là một loại quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế. Rất tiếc, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được một đạo luật riêng về tư pháp quốc tế để hệ thống hóa và quy định một cách toàn diện các quy phạm xung đột làm căn cứ giải quyết các vụ kiện có yếu tố nước ngoài. Trong hệ thống pháp luật hiện tại, quy phạm xung đột pháp luật tồn tại khá tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự (phần VII), Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình.
Các quy phạm xung đột trong phần VII của Bộ luật Dân sự có thể coi là toàn diện nhất và có chức năng gần giống với đạo luật về Tư pháp quốc tế của các nước khác. Phần VII của Bộ luật Dân sự đã có những quy định giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 2 loại vấn đề liên quan trực tiếp tới việc giải quyết xung đột pháp luật trong các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, nội dung của các quy định này đúng như bạn Đại đã phân tích còn nhiều điểm rất không phù hợp khi áp dụng cho các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, do bị bó buộc bởi chữ “dân sự” của Bộ luật mà các quy định về xung đột pháp luật này không thể áp dụng cho các quan hệ kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài. Chính vì thế, Luật Thương mại đã phải có quy định riêng về xung đột pháp luật trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy vậy, hiện nay, do đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự quá hẹp nên các tranh chấp có yếu tố nước ngoài thuộc các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán... mà không phải là “dân sự” theo nghĩa của Bộ luật Dân sự hiện hành thì chúng ta vẫn chưa có quy phạm xung đột để điều chỉnh. Thực sự đây là những bất cập cần sớm được khắc phục.
Quay trở lại vấn đề quy phạm xung đột để giải quyết các vụ kiện về cạnh tranh có yếu tố nước ngoài nên được đặt trong văn bản luật nào?
Chúng ta phải khẳng định rằng: việc đưa một quy phạm nào đó vào trong một văn bản pháp luật cụ thể không phải thuần túy là ý chí chủ quan của nhà làm luật. Mỗi văn bản pháp luật là tập hợp của nhiều quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau và cùng phản ánh chức năng, mục tiêu chung của văn bản mà quy phạm này là bộ phận của nó. Nếu một quy phạm mà có quá ít mối liên hệ về tính chất, chức năng đối với các quy phạm còn lại trong một văn bản thì nói chung không nên đưa quy phạm đó vào trong văn bản. Có như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ của văn bản pháp luật.
Chúng ta đều biết rằng, Luật Cạnh tranh của bất kỳ quốc gia nào cũng có chức năng hàng đầu là bảo vệ quá trình cạnh tranh lành mạnh, công bằng trên thị trường của quốc gia mình. Các quy phạm được đưa vào trong Luật Cạnh tranh phải đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản này tức là phải phản ánh được chức năng đó của Luật Cạnh tranh. Như vậy, không phải cứ cái gì liên quan đến “cạnh tranh” đều nhất thiết được đưa vào Luật Cạnh tranh.
Quy phạm xung đột về cạnh tranh về bản chất cũng là quy phạm xung đột tức là thuộc về lĩnh vực của tư pháp quốc tế. Tôi cho rằng tính “tư pháp quốc tế” của loại quy phạm này nổi trội hơn là tính “cạnh tranh” (liên quan đến cạnh tranh) của quy phạm. Quy phạm xung đột pháp luật về cạnh tranh hoàn toàn không phản ánh chức năng chung của đạo luật cạnh tranh này. Khi đưa quy phạm xung đột này vào Luật Cạnh tranh thì thật khó tìm ra mối liên hệ giữa quy phạm này (quy phạm xung đột) và các quy định còn lại trong đạo luật. Vì lý do này, tôi cho rằng quy phạm xung đột pháp luật về cạnh tranh nên để trong các đạo luật điều chỉnh về tư pháp quốc tế thì thích hợp hơn là đưa trực tiếp vào Luật Cạnh tranh. Có lẽ vì lý do này mà Luật Cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới đều không thấy có quy định trực tiếp về giải quyết xung đột trong lĩnh vực cạnh tranh mà để cho luật về Tư pháp quốc tế điều chỉnh.
Việt Nam cũng đang tiến hành sửa Bộ luật Dân sự để đáp ứng yêu cầu mới của đời sống kinh tế xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của lần sửa này chính là việc hoàn thiện các quy định giải quyết xung đột pháp luật nêu tại phần VII của Bộ luật Dân sự để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới. Vậy nên chăng chúng ta chuyển vấn đề xung đột pháp luật về cạnh tranh cho Ban soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật dân sự cân nhắc, giải quyết. Trong tương lai, có lẽ chúng ta phải sớm xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp quốc tế để hệ thống hóa và quy định một cách toàn diện vấn đề xung đột pháp luật trong các lĩnh vực của tư pháp quốc tế bởi chúng ta có thể dễ thấy rằng ngay bản thân việc đưa các quy phạm xung đột và các quy phạm luật nội dung ở trong cùng một văn bản pháp luật như cách mà Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Hôn nhân và gia đình đang làm cũng là một điều không nên.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân xin được trao đổi cá nhân với các bạn. Rất có thể quan điểm của mình còn có nhiều điểm cần bàn thêm. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các bạn.
Nguyễn Văn Cương
Viện NCKH Pháp lý - Bộ Tư pháp
Email: Cuongnv77@yahoo.com