Trong tập 8 chuỗi tọa đàm UniPrep, ông Lê Đình Hiếu - CEO Học viện G.A.P và bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe mang đến cho người xem góc nhìn tổng quan về công tác định hướng ngành nghề cho học sinh và các tiêu chí đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng.
Độc giả xem chương trình tại đây. |
Hai diễn giả khẳng định, băn khoăn khi lựa chọn ngành học là điều bình thường bởi có tâm lý này, học sinh mới tư duy, cởi mở và lắng nghe nhiều hơn để đưa ra quyết định phù hợp.
![Ông Lê Đình Hiếu - CEO Học viện G.A.P, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe và PGS. TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM (từ phải qua). Ảnh: Chụp màn hình](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/07/dien-gia-cap-1649322522-9399-1649322527.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PSNjncIONxzf8vcoqV2HUg)
Ông Lê Đình Hiếu - CEO Học viện G.A.P, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe và PGS. TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM (từ phải qua). Ảnh: Chụp màn hình
Ông Hiếu phân tích, tại một trường đại học top đầu thế giới như Đại học California, Los Angeles (Mỹ), nơi hội tụ những sinh viên giỏi và có công tác hướng nghiệp kỹ lưỡng, vẫn có tới 80 % sinh viên ở một thời điểm nào đó trong 4 năm học có băn khoăn nhất định về nghề nghiệp và có ít nhất một lần cân nhắc việc chuyển ngành.
"Chúng ta phải hiểu, sinh viên nếu có dao động trong quá trình học, sống và tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội là chuyện bình thường", ông khẳng định.
Bản thân ông cũng lựa chọn ngành theo thế mạnh của bản thân lúc bấy giờ là môn toán. Sau đó, khi sợ môn này khô khan, ông quyết định học thêm lĩnh vực mang tính chất thực chiến, có tính ứng dụng cao hơn là kinh tế. Tuy nhiên, diễn giả cho biết, nếu quay trở lại năm 18 tuổi, ông vẫn chọn học hai ngành này bởi kiến thức nền tảng ở đây mang đến các giá trị cốt lõi, phục vụ công việc trong suốt 15 năm qua.
Như vậy, nếu trong quá trình học vẫn băn khoăn về việc nên chọn học ngành tổng quát hay chuyên môn, sinh viên có thể lựa chọn học song bằng hoặc tham gia các chứng chỉ nhỏ, khóa học trực tuyến...
![Ông Lê Đình Hiếu - CEO Học viện G.A.P. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/08/dien-gia-1-jpeg-1649410365-1164-1649410400.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LbvHYKUvk-NzWgDr2CfMVA)
Ông Lê Đình Hiếu - CEO Học viện G.A.P. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Thanh Nguyễn cho biết, với những vị trí chuyên môn như logistics, bảo hiểm hay chứng khoán, doanh nghiệp thường ưu tiên ứng viên tốt nghiệp ngành sát với yêu cầu công việc nhất. Ngược lại, các bạn theo học ngành tổng quát lại có lợi thế có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí, doanh nghiệp khác nhau. Theo đó, nhà tuyển dụng thường đánh giá cao ứng viên có kỹ và thái độ phù hợp với công việc, tiêu chí của doanh nghiệp.
"Phụ huynh, học sinh yên tâm là học ngành nào cũng tốt nếu chúng ta hướng tới điều cuối cùng là nhà tuyển dụng cần gì. Trong quá trình học đại học, chúng ta hoàn toàn có thể lái định hướng của mình tốt hơn", bà nói thêm.
Trong khi đó, dù học theo chuyên ngành nào, sinh viên cũng có cơ hội phát triển các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Việc phát triển kỹ năng không chỉ nằm ở việc lên lớp nghe thầy giảng kiến thức thế nào, mà còn nằm ở việc các em học hỏi như thế nào, tham gia hoạt động, câu lạc bộ ra sao.
Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc - Công ty Anphabe khuyên phụ huynh theo hai khía cạnh: Nếu con đã biết mình thích gì, cha mẹ nên ủng hộ con. Ngược lại, ngành học tổng quát sẽ là lựa chọn phù hợp trong thời điểm chuyển giao từ bậc phổ thông lên đại học. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá rất cao năng lực đa nhiệm ở người lao động.
"Sau Covid-19, số lượng công việc nhiều hơn nhưng không thể tăng số người. Do đó, một người sẽ phải làm nhiều hơn so với trước", bà nói thêm.
![Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/08/Thanh-Nguyen-2-jpeg-2446-1649410400.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UpsZOyoJaxcSR3xe0WqSTw)
Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Song song, người học ngành chuyên sâu cũng có thể đáp ứng xu thế này thông qua việc học song ngành hoặc các khóa chứng chỉ vi mô (micro-credentials) đang phổ biến hiện nay. Người dẫn dắt chương trình, PGS. TS. Trần Hà Minh Quân cho biết, tại Việt Nam, các trường ĐH cũng năng động, đang thay đổi theo hướng liên môn, đa ngành như vậy.
Tại Đại học Kinh tế TP HCM, sinh viên có thể thiết kế chương trình học hai bằng trong 4 năm và có sự phối hợp giữa các ngành để bổ trợ năng lực ở mức độ tốt nhất, tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian khi chuyển ngành hay thay đổi định hướng, học sinh không nên chọn ngành theo xu thế nhất thời hay tin vào sự thành công nhanh chóng. Mỗi người cần tự trò chuyện với chính mình để xác định bản thân mạnh ở đâu, muốn làm gì... từ đó, tự tạo động lực đủ để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn.
Hơn hết, người trẻ cần tự biết hạnh phúc với những gì đạt được. Mỗi người có một thước đo thành công và hạnh phúc riêng, do đó, chỉ khi hiểu bản thân, người lao động mới có thể thành công. "Hạnh phúc mới là yếu tố giữ lửa nhiệt huyết của bạn khi theo đuổi đam mê", ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.