Trẻ ăn khi xem quảng cáo sẽ tiêu hóa thụ động, không thực sự cảm nhận được mùi vị của thức ăn. Ảnh: T. An. |
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội) thì hiện chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng cho trẻ xem quảng cáo khi ăn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các rối loạn về tâm lý. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ đến đây khám bệnh đều có chung một sở thích đáng chú là là thích xem quảng cáo, đặc biệt là những trẻ tự kỷ.
Như trường hợp cậu con trai chị Hương (Nghệ An) là một ví dụ. Đã 2 tuổi, nhưng cháu chỉ bập bẹ được vài từ ba ba, ma ma.
Chị Hương cho biết khi cháu 6 tháng tuổi, mải đi làm nên chị giao mọi việc cho bé ăn cho ôsin lo. Nhiều lần về đến nhà thấy bé đang được ôsin đút cháo, trong khi mắt dán vào chương trình quảng cáo, chị cũng thấy lo. Từ trước đến nay mọi người vẫn nói không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem vì ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
"Trước dỗ mãi cháu cũng không chịu ăn, giờ cứ bật quảng cáo lên là cháu ăn. Thấy con lên cân, chịu khó ăn, mình cũng mừng. Nhưng nhiều lúc cháu mải xem quá, gọi mãi cũng không thưa. Giờ thì lại chậm nói", chị thở dài kể.
Hiện nay rất nhiều bặc phụ huynh thay vì nựng con ăn lại bật đĩa quảng cáo lên cho con vừa xem vừa ăn. Cái lợi trước mắt là thấy trẻ ngồi yên ăn, không uốn éo, không nghịch ngợm lại ăn được nhiều. Tuy nhiên nhiều cha mẹ không nhận thức được những hậu quả của nó, theo tiến sĩ Bưởi.
Về mặt y học, cho trẻ xem quảng cáo khi đang ăn có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ. Trẻ ăn nhiều hơn, nhưng không hề tập trung vào việc ăn, mà chỉ tiếp nhận thức ăn một cách thụ động. Vì quá tập trung vào màn hình, nên bé không hề cảm nhận được mùi, được vị.
Cứ như thế dần hình thành ở trẻ một thói quen ăn thụ động, cứ mở quảng cáo là ăn, mất cảm giác thèm ăn, không biết ngon là gì. Việc cho trẻ ăn giống như là việc nạp năng lượng cơ học. Trẻ có thể cảm thấy hưng phấn và ăn nhiều hơn. Nhưng không phải do trẻ thích ăn, thấy ngon mà là do những hình quảng cáo làm cho trẻ thích mắt, theo bác sĩ Bưởi.
Ngoài ra cho bé xem quảng cáo cũng hạn chế sự giao tiếp của trẻ. Xem tivi là thực hiện hình thức giao tiếp không lời, chỉ giao tiếp bằng mắt. Không phải giữa người với người, mà chỉ có mắt trẻ với tivi. Mà chiếc tivi đó không hề thể hiện cảm xúc, không biểu lộ thái độ. Trẻ không học được cách nói, cách thể hiện cảm xúc, cũng không có sự phản hồi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ thì cha mẹ không nên cho con vừa xem tivi vừa ăn, vì làm thế trẻ mất tâm trung, gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Hơn nữa ngôn ngữ của quảng cáo không phải dành cho trẻ, lại nói nhanh, vì thế không giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, mà chúng chỉ chú ý đến màu sắc, hình ảnh.
Bác sĩ Bưởi cũng khuyến cáo cha mẹ không nên coi việc cho con xem quảng cáo khi ăn là một phương tiện, một công cụ kích thích trẻ ăn. Muốn bé ăn, mẹ nên vừa cho ăn vừa phải nựng, nói chuyện với trẻ như kiểu: "Con nói A nào" hay "Mồm cá trê nào'... Như thế giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của con, trẻ lại có thể cảm nhận được sự yêu thương của mẹ. Có thể sắp xếp cho trẻ một chỗ ngồi ăn cố đình, người cho ăn ngồi đối diện với trẻ để trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, bằng lời.
Nam Phương