Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nêu chủ trương trên tại hội nghị triển khai quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (Quy định 65), sáng 28/5.
Chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng có từ năm 1997. Những cán bộ trẻ có triển vọng hoặc diện quy hoạch sẽ được rèn luyện thực tiễn, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ. Nội dung này được Đảng bổ sung vào các năm 2002, 2012.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các tổ chức đảng nghiên cứu sâu để thực hiện đầy đủ quy định mới của Bộ Chính trị. Vấn đề chưa hiểu rõ có thể gửi văn bản về Ban Tổ chức Trung ương. "Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm là chưa đủ, quan trọng là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển; thường xuyên giám sát, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn", bà Mai nói và nhấn mạnh cán bộ phải đi thực, làm thực.
Thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ động đánh giá cán bộ đưa đi luân chuyển. Một số cơ quan ngành dọc như thuế, hải quan... sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nói rõ thêm Quy định 65 đảm bảo tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan trong hệ thống chính trị; giải quyết hài hòa việc sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ đáp ứng yêu cầu trước mắt và đào tạo phục vụ lâu dài.
Ngày 28/4, Bộ Chính trị ban hành Quy định về luân chuyển cán bộ, nêu rõ diện được luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, như Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, cấp trưởng ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, huyện...
Quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước; thời gian ít nhất là 36 tháng; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.